VỐN TỐI THIỂU ĐỂ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP?

Với mọi doanh nghiệp dù ở hình thức nào thì muốn hoạt động sản xuất kinh doanh được đều phải có lượng vốn nhất đinh. Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất cho sự ra đời tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Số lượng vốn của doanh nghiệp lớn hay nhỏ là một trong những tiêu thức quan trọng để xếp doanh nghiệp vào qui mô lớn, hay nhỏ và nó cũng là điều kiện để sử dụng các tiềm năng hiện có cũng như các yếu tố đầu vào doanh nghiệp. Có quy định về vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp không?

Vốn là gì?

“Vốn” được hiểu theo nhiều định nghĩa khác nhau, xét theo từng góc độ nhất định. Để hiểu một cách đơn giản nhất, “vốn” là một quỹ tiền tệ được thể hiện dưới các hình thức như tiền, các quỹ tài sản, quyền sở hữu tài sản có giá trị về tiền,… và sử dụng cho mục đích hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận của doanh nghiệp.

Vốn điều lệ trong doanh nghiệp 

Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:

“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công đã góp hoặtyc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

Bên cạnh đó cũng quy định tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam tại Điều 34.

Có quy định vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty?

Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu cũng như không giới hạn mức vốn điều lệ tối đa. Tuy nhiên một số ngành, nghề đặc thù yêu cầu vốn pháp định hoặc ký quỹ thì sẽ phải đáp ứng yêu cầu về vốn theo quy định.

Khoản 5 Điều 16 Luật này nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký.

Ngoài ra, không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu.

Mức vốn điều lệ của doanh nghiệp là một phần quan trọng thể hiện uy tín và trách nhiệm của các thành viên góp vốn với khách hàng, đối tác. Theo đó, tùy vào khả năng kinh tế của thành viên công ty và mục đích, định hướng hoạt động của công ty, mức vốn điều lệ được quyết định.

Nếu vốn điều lệ quá thấp, doanh nghiệp sẽ khó tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác. Còn nếu vốn điều lệ ở mức quá cao thì doanh nghiệp dễ dàng tạo dựng sự tin tưởng hơn nhưng trách nhiệm và tính rủi ro của các thành viên góp vốn cũng cao hơn.

Thời hạn góp vốn điều lệ là bao lâu?

Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Theo khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản).

Đối với công ty TNHH một thành viên

Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản) – theo khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.

Đối với công ty cổ phần

Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản), trừ trường hợp Điều lệ công ty/hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định thời hạn ngắn hơ

Đối với công ty hợp danh

Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết (theo khoản 1 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020).

Như vậy, đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty TNHH 1 thành viên và công ty cổ phần thì thời hạn mà thành viên/chủ sở hữu/cổ đông phải góp đủ vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với công ty hợp danh thì thành viên có trách nhiệm góp đúng theo cam kết khi thành lập công ty.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay