Trong 10 ngày cuối tháng 5, siêu doanh nghiệp “Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group)” với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng được thành lập. Đáng chú ý, Công ty có 3 cổ đông sáng lập, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh là người đại diện theo pháp luật cũng như cổ đông lớn nhất với tỷ lệ đăng ký góp vốn 99.996% (499.998 tỷ đồng); hai cá nhân là cổ đông còn lại mỗi người góp 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một công ty “25.000 tỷ” khác cũng được thành lập bởi 3 cổ đông trên, trong đó, ông Nguyễn Vũ Anh Quốc cam kết góp 23.000 tỷ đồng.
Như vậy, nhìn vào con số khổng lồ trên, chỉ tính riêng vốn điều lệ “500.000 tỷ đồng” đã vượt xa Vingroup, EVN hay PVN. Và cũng phải nói, đây không phải là doanh nghiệp đầu tiên đăng ký thành lập với số vốn điều lệ lên đến con số hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vào hồi tháng 3 năm ngoái, con số “144.000 tỷ đồng” cũng được gắn mác “khủng” khi có 3 cá nhân thành lập Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC. Tuy nhiên, sau đó thì các cá nhân thành lập công ty thông báo đã “hủy” đăng ký thành lập.
“90 ngày trên giấy và thực tế”
Theo quy định hiện hành, thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu quá thời hạn này mà vẫn có cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua thì họ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Trường hợp cổ đông chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì họ sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán. Khi cổ đông vi phạm nghĩa vụ góp vốn, họ không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác, số cổ phần chưa thanh toán này được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền chào bán.
Nếu quá 90 ngày mà cổ đông không góp đủ số vốn đã cam kết thì doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua. Nếu công ty không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định này. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn pháp luật quy định.
Hiện nay, theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt “từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng”. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm.
Thế nhưng hiện nay mới có quy định xử phạt đối với “hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký”, còn việc xử phạt “hành vi không góp đủ vốn như đã cam kết đối của thành viên” lại chưa được xây dựng. Vì trên thực tế, hiện nay doanh nghiệp trốn tránh thực hiện giảm vốn điều lệ theo quy định nếu góp không đủ không phải con số ít. Hệ lụy của việc này khiến các thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm tên số vốn điều lệ “ảo” trong những trường hợp phát sinh như làm ăn thua lỗ hay giải thể doanh nghiệp. Đồng thời, mức phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 triệu đồng cần phải được nâng lên nhằm hạn chế tối đa những hành vi vi phạm và là lời cảnh tỉnh cho những hành vi “thổi phồng vốn”.
“Tăng cường giám sát khi không có quy định về vốn điều lệ trần”
Vốn điều lệ quy định tại Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, tại thời điểm đăng ký thành lập là vốn điều lệ cam kết góp. Bên cạnh đó, pháp luật chỉ có quy định vốn điều lệ tối thiểu với những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định hoặc ký quỹ. Thế nên, con số tối đa của vốn điều lệ mà doanh nghiệp đăng ký không bị giới hạn mà tùy thuộc vào khả năng góp vốn của thành viên và nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Đây là khoản vốn được doanh nghiệp tự do đăng ký và không có ràng buộc gì với quy định của pháp luật, người góp vốn sẽ chịu trách nhiệm trên khoản vốn góp của mình.
Như vậy, pháp luật đã tạo mọi điều kiện thuận lợi dựa vào khả năng tài chính trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ không giới hạn. Việc tạo điều kiện như vậy có thể dẫn tới xu hướng “ thổi phồng” vốn góp. Vì ở thời điểm đăng ký, Cơ quan nhà nước không có trách nhiệm phải xác nhận tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký, mà đó là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không thể viện vào đó để tự do thỏa thích làm những gì mình mong muốn. Trong quá trình hoạt động, nhất là trong thời hạn quy định góp đủ vốn, cơ quan nhà nước cần phải nâng cao công tác giám sát trong việc các thành viên có thực hiện đầy đủ việc góp vốn theo vốn điều lệ đã đăng ký. Trong trường hợp không góp đủ vốn, cần giám sát việc doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục giảm vốn điều lệ, để sớm phát hiện các vi phạm và áp dụng quy định xử phạt doanh nghiệp.
Việc một cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp với số vốn góp “siêu khủng” như trường hợp của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh là chưa từng xảy ra. Với số vốn điều lệ cùng tỷ lệ góp vốn cao ngất ngưởng khiến dư luận cũng như phía Cơ quan nhà nước đặt ra không ít hoài nghi và tính khả thi đối với con số “500.000 tỷ”.