QUY ĐỊNH VỀ VIỆC GÓP VỐN HỢP TÁC XÃ

Hợp tác xã ra đời sau năm 1945 trong bối cảnh phát triển mạnh nền kinh tế tập thể, phát huy tiềm năng của mình trong việc khẳng định vị trí trên nhiều phương diện, từ kinh tế, văn hóa đến xã hội. Việc góp vốn vào hợp tác xã là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Vậy, quy định về việc góp vốn hợp tác xã như thế nào?

Hợp tác xã là gì ?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã 2012, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân. Thành lập do ít nhất 07 thành viên tự nguyện và tiến hành hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm nhằm đáp ứng các nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Góp vốn vào hợp tác xã là gì?

Góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của hợp tác xã.

Vốn góp tối thiểu là số vốn mà cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải góp vào vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên.

Vốn điều lệ là tổng số vốn do thành viên, hợp tác xã thành viên góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đề xuất phân loại hợp tác xã theo 4 quy mô

Quy định mới về việc góp vốn hợp tác xã?

Trong hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ hợp tác xã nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.

Khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

-Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;

– Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình.

Lưu ý: Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Đối với hợp tác xã thành viên thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký của hợp tác xã thành viên; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên;

– Tổng số vốn góp; thời điểm góp vốn;

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.

Các trường hợp trả lại phần, thừa kế vốn góp

– Hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định tại Luật Hợp tác xã 2012.

– Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật Hợp tác xã và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.

– Trường hợp thành viên là pháp nhân, hợp tác xã thành viên bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay