NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH BAO GỒM NHỮNG NGUYÊN TẮC NÀO?

Gia đình là cái nôi của xã hội, chế độ hôn nhân và gia đình có được đảm bảo phát triển bền vững hay không thì cần phải dựa trên những nguyên tắc nhất định. Chính bởi vậy, việc đưa ra những quy định về nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là vô cùng cần thiết. Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm nguyên tắc nào?

Chế độ hôn nhân và gia đình là gì?

Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình (căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình tại Việt Nam - Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là gì?

Nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình là những nguyên lý chỉ đạo, được quy định trong văn bản pháp luật hôn nhân và gia đình, thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, là nền tảng để phát triển ngành luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, góp phần quán triệt quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình và việc thi hành, áp dụng trên thực tế.

Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm nguyên tắc nào?

Theo đó, tại Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định như sau:

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

Phân tích nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình hiện nay

Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện và tiến bộ

Sự tự nguyện kết hôn của nam và nữ là yếu tố quan trọng để hình thành quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý và cũng là cơ sở để duy trì hạnh phúc lứa đôi. Thực hiện nguyên tắc này, cá nhân có quyền kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình mà không một cơ quan, tổ chức , xã hội, cá nhân nào được phép cản trở.

Pháp luật cũng có những quy định cấm những việc kết hôn không đảm bảo yếu tố tự nguyện tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn, yêu sách của cải trong kết hôn,…

Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng

Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên nền tảng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và nam nữ bình đẳng nhằm xóa bỏ chế độ hôn nhân phong kiến( quyền đa thê). Hôn nhân một vợ một chồng tồn tại vững chắc trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ, chế độ một vợ một chồng đảm bảo tình yêu giữa họ thực sự bền vững từ đó làm cơ sở để duy trì và củng cố hạnh phúc gia đình. Nội dung của nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng là chỉ những người chưa có vợ, chưa có chồng hoặc tuy đã có vợ, có chồng nhưng hôn nhân đó đã chấm dứt mới có quyền kết hôn. Việc kết hôn của họ phải với người đang không có vợ, không có chồng.

Để bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, Luật Hôn nhân và gia đình có quy định cấm hành vi : “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” ( điểm c Khoản 2 Điều 5) và được khẳng định lại khi trong quy định về các điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật này.

Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng

Tại Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình ghi nhận việc vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình và tại Điều 23 thì vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và các con

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại khoản 1 Điều 68. Nguyên tắc được xây dựng với mục đích xác định nghĩa vụ của những người làm cha, làm mẹ phải chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của con về mặt thể chất, trí tuệ và đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con trở thành những công dân có ích cho xã hội, và đặc biệt không phân biệt đối xử giữa các con, con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

Song song với đó thì các con cũng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà lúc ốm đau, già yếu. Những nghĩa vụ của con cháu, đối với cha mẹ được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Pháp luật cũng cấm những hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em

Phụ nữ và trẻ em luôn là những đối tượng được Nhà nước, xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Đối với người phụ nữ, Nhà nước, xã hội và những thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng và tạo điều kiện cho người phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt thiên chức cao quý của người mẹ. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Đối với trẻ em, có những quyền và nghĩa vụ như được học tập, được nuôi dạy phát triển về cả thể chất và tâm hồn và được tôn trọng, đảm bảo thực hiện những quyền đấy bởi ông bà, cha mẹ. Chế định nuôi con nuôi được đặt ra để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay