ĐANG ĐIỀU TRỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG CÓ BỊ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG KHÔNG?

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn. Nó khiến người lao động mất thời gian dài điều trị và không thể tiếp tục làm việc dẫn đến trì trệ công việc. Vậy Đang điều trị tai nạn lao động có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

Hợp đồng lao động theo quy định pháp luật là gì?

Căn cứ tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:

– Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

– Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Đang điều trị tai nạn lao động có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

Dẫn chiếu đến quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

Theo quy định trên, nếu người lao động bị tai nạn lao động đã điều trị được 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đã điều trị 6 tháng liên tục hoặc làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng nhưng đã điều trị hơn quá nửa thời gian thực hiện hợp đồng nhưng khả năng lao động chưa hồi phục thì công ty được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Về thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Căn cứ theo quy định tại điểm khoản 2 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019 thì:

“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Theo đó, trong trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lí do người lao động điều trị tai nạn lao động 12 tháng liên tục hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục thì công ty sẽ phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay