Công việc phải thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp 2022

Sau khi thành lập doanh nghiệp thì rất nhiều công ty vì lý do không nắm bắt được các công việc cần phải làm sau khi thành lập dẫn tới rất nhiều công ty đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Vì vậy để tránh những rủi ro không đáng có, Văn phòng luật sư Kết Nối bằng bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các công việc mà các công ty sau khi thành lập cần phải làm:

  1. KHẮC DẤU DOANH NGHIỆP

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể liên hệ với các đơn vị khắc dấu để làm con dấu cho công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp.

Trước đây, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng con dấu doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định nói trên, vậy nên hiện nay doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng.

  1. CÔNG BỐ NỘI DUNG ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai.

Tuy nhiên, theo quy định tại nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch đầu tư, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm này. Do vậy, doanh nghiệp không phải thực hiện việc đăng bố cáo sau thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nữa.

  1. MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG

Doanh nghiệp cần liên hệ các ngân hàng thương mại để tiến hành mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp mình. Sau khi hoàn tất thủ tục mở tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, để thực hiện việc nộp thuế điện tử.

Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục thông báo tài khoản ngân hàng với cơ quan đăng ký kinh doanh, thay vào đó doanh nghiệp cần thông báo tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

  1. MUA CHỮ KÝ SỐ

Chữ ký số (Token) được sử dụng để kê khai nộp thuế trực tuyến, bảo hiểm xã hội, giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch với cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ quan hành chính… mà không phải in các tờ kê khai, đóng dấu của công ty.

Ngoài ra việc sử dụng chữ ký số giúp doanh nghiệp bảo mật thông tin cao hơn. Doanh nghiệp có thể liên hệ tới các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số để hướng dẫn thực hiện thủ tục mua chữ ký số.

  1. MUA HÓA ĐƠN VÀ THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HÓA ĐƠN

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng hóa đơn điện tử, bởi việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy. Đồng thời, giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy… Doanh nghiệp có thể liên hệ tới các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để được hướng dẫn thủ tục đặt và sử dụng hóa đơn điện tử.

Trước khi sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế, chậm nhất hai (02) ngày trước khi doanh nghiệp bắt đầu sử dụng hóa đơn.

  1. KÊ KHAI VÀ NỘP LỆ PHÍ MÔN BÀI

Doanh nghiệp mới thành lập (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới) được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập. Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (sau đây gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) thì đơn vị phụ thuộc được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài. Sau khi kết thúc năm đầu hoạt động, doanh nghiệp thực hiện việc nộp lệ phí môn bài theo quy định của pháp luật.

Mặc dù doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài nhưng vẫn phải thực hiện việc kê khai (nộp tờ khai) lệ phí môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, chậm nhất là đến ngày 30/1 năm sau năm thành lập.

  1. THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC THUẾ BAN ĐẦU

Doanh nghiệp sau khi thành lập, cần thực hiện việc kê khai và nộp thuế khi đến thời hạn đối với các loại thuế: Thuế GTGT, Thuế TNCN, Thuế TNDN, thuế TTĐB (trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB); thuế XNK (trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu)….

  1. TREO BIỂN HIỆU CÔNG TY

Biển hiệu công ty là một yếu tố bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp, công ty cần tiến hành đặt và treo biển ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để có thể hoạt động và giải trình với cơ quan thuế trong các đợt kiểm tra. Biển hiệu bao gồm các nội dung bắt buộc sau: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại. Kích thước: Biển ngang tối đa 2m, biển dọc tối đa 01x04m, không vượt quá chiều cao của tầng nhà đặt biển (Điều 34 Luật Quảng cáo 2012).

Như vậy, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục nêu trên để hoàn tất các thủ tục ban đầu. Doanh nghiệp lưu ý tránh chậm trễ thực hiện, trường hợp quá thời hạn thực hiện một số thủ tục có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

>> Xem thêm :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay