Quy trình xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà hàng ăn uống

Câu hỏi :

Thưa luật sư, hiện nay tôi đang kinh doanh 1 nhà hàng ăn uống, tôi muốn được luật sư tư vấn cho về thủ tục liên quan tới giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà hàng. Cảm ơn Luật sư

Trả lời :

Chào bạn! Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm là điều kiện cần thiết bậc nhất đối với việc kinh doanh nhà hàng ăn uống. Quy trình xin cấp phép an toàn vệ sinh thực phẩm  được quy định chủ yếu tại 3 văn bản: Luật an toàn thực phẩm; Nghị định số: 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dấn Luật An toàn thực phẩm; Công văn 2129/BCT-KHCN năm 2018. Theo đó, cụ thể về quy trình xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà hàng ăn uống như sau:

1. Về thẩm quyền

  • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương sẽ cấp cho các trường hợp sau: Cơ sở dịch vụ ăn uống do cơ quan chức Sở kế hoạch và đầu tư của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Các cơ sở dịch vụ ăn uống do cơ quan chức năng quận, huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng có quy mô cung cấp từ 300 suất ăn/ngày trở lên; Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; Các cơ sở dịch vụ ăn uống trong các bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp…
  • UBND các quận, huyện, hoặc các cơ quan chức năng được ủy quyền như phòng y tế trực thuộc UBND quận, huyện sẽ cấp cho các loại hình sau: Các cơ sở dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do quận, huyện cấp, hoặc cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô cung cấp từ 100-300 suất ăn/ngày;   Bếp ăn tập thể ở các trường học bao gồm các cấp từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Dịch vụ ăn uống di động hoặc nấu ăn thuê theo hợp đồng.
  • UBND phường, xã, thị trấn thì quản lý và cấp giấy chứng nhận cho dịch vụ ăn uống có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có công suất nhỏ, cung cấp dưới 100 suất ăn/ngày.

2.Về thủ tục

Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP theo quy trình sau: Tiếp nhận hồ sơ;  Xem xét hồ sơ; Thẩm định cơ sở kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cụ thể, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện SVATTP như sau:

2.1. Xem xét hồ sơ:

a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiếp phải xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc cần sửa đổi, bổ sung;

b) Nếu quá 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ hoặc cần sửa đổi, bổ sung mà cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ huỷ hồ sơ.

2.2. Thẩm định cơ sở:

a) Sau khi xem xét hồ sơ nếu thấy hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiến hành hoạt động thẩm định cơ sở trong vòng 15 ngày làm việc. Trường hợp uỷ quyền thẩm định cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền; Cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết định cử Đoàn thẩm định cơ sở và thông báo với cơ sở.

b) Nội dung thẩm định cơ sở:

Đoàn thẩm định cơ sở sẽ tiến hành các hoạt động sau:

– Kiểm tra, đối chiếu thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định;

– Kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở

– Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm,

– Kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc trong chế biến thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm

– Kiểm tra việc ghi chép nguồn gốc thực phẩm, lưu mẫu thức ăn….

2.3.Cấp Giấy chứng nhận:

– Sau quá trình kiểm tra hồ sơ pháp lý và thẩm định trực tiếp tại cơ sở: Trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP.

– Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm, biên bản thẩm định ghi rõ phải chờ hoàn thiện phải ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thiện nhưng không quá 60 ngày. Sau khi cơ sở báo cáo hoàn thiện, đoàn thẩm định sẽ tiến hành thẩm định lại các nội dung chưa đạt.

– Nếu cơ sở không đạt yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được tiếp tục hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.

3.Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP gồm có:

  1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
  2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm bản sao có chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của cơ sở.
  3. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở
  4. Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh có xác nhận của chủ cơ sở
  5. Sơ đồ thể hiện quy trình sản xuất thực phẩm.
  6. Giấy cam kết đã tập huấn kiến thức ATVSTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.
  7. Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp chế biến thực phẩm. Bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực bản sao hoặc bản sao có xác nhận của chủ cơ sở.

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển. Để việc hoạt động của các cơ sở dịch vụ ăn uống được tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, Luật Kết Nối luôn sẵn sàng tư vấn, chia sẻ và đồng hành cùng Qúy khách hàng trong những vấn đề pháp lý trong quá trình xin cấp phép cơ sở đủ điều kiện VSATTP cũng như trong quá trình vận hành hoạt động.

Cảm ơn bạn đã quan tâm!

>> Xem thêm:

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay