Hỏi: Thưa luật sư!
Con tôi năm nay 5 tuổi, cháu bị bại não dẫn đến việc không thể vận động được và cũng chưa thể nói và nhận thức được nhiều. Mọi sinh hoạt của con tôi phụ thuộc vào người thân. Tôi đã gửi đơn xin xác nhận khuyết tật cho con nhưng UBND Xã nói với tôi là phải ngoài 6 tuổi mới đủ kiều kiện. Vậy tôi muốn hỏi như vậy có đúng không?
Trả lời:
Đầu tiên bạn hãy tham khảo bài viết : Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho người khuyết tật
– Căn cứ điểm a khoản 1 điều 3 Thông tư liên tịch 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ban hành ngày 28/12/2012 thì: Xác định dạng khuyết tật của trẻ em dưới 6 tuổi bằng phương pháp quan sát trực tiếp các dấu hiệu cụ thể của trẻ khuyết tật và phỏng vấn người đại diện hợp pháp của trẻ thông qua “Phiếu xác định dạng khuyết tật cho trẻ dưới 6 tuổi” ( Mẫu số 02) được ban hành kèm theo thông tư này.
Đối với trẻ dưới 6 tuổi thì thành viên Hội đồng đánh giá chỉ đánh giá 03 dạng khuyết tật: Khuyết tật vận động, khuyết tật nhìn và khuyết tật thần kinh, tâm thần
– Căn cứ điều 16,17 NĐ 28/2012/NĐ_CP quy định về mức trợ cấp cho người khuyết tật thì:
Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng nhân hệ số 2.0 nhưng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người già và trẻ em thì nhân hệ số 2.5
Đối với người khuyết tật nặng nhân hệ số 1.5 nhưng đối với người khuyết tật là người già và trẻ em thì nhân hệ số 2.0
Từ 2 căn cứ trên KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH NÀO quy định trẻ em trên 6 tuổi mới đủ điều kiện làm giấy xác nhận khuyết tật mà khi người khuyết tật là trẻ em thì mức trợ cấp xã hội cao hơn người lớn.
– Căn cứ điều 17 NĐ 144/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi;
b) Từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng;
c) Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với hành vi vi phạm tại Khoản 3 Điều này.”
Ban biên tập Văn phòng luật sư Kết Nối mong muốn các thông tin chúng tôi đem đến sẽ giúp ích cho người khuyết tật và gia đình.
Trân trọng !