Quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức hoạt động xây dựng phải được xếp hạng năng lực. Các lĩnh vực cần phải được xếp hạng gồm: Khảo sát xây dựng; Lập quy hoạch xây dựng; Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng;Tư vấn quản lý dự án;Thi công xây dựng công trình;Giám sát thi công xây dựng; Kiểm định xây dựng; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

1. Căn cứ pháp lý

1.1. Luật xây dựng 2014.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014 về điều kiện năng lực của tổ chức hoạt động xây dựng thì tổ chức tham gia hoạt động xây dựng được phân thành hạng I, hạng II, hạng III do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực.

1.2. Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

1.3. Nghị định Số: 42/2017/NĐ-CP   ngày 05 tháng 04 năm 2017

Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 59/2015/NĐ-CP (ngày 18/6/2015 của chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng)

1.4. Thông tư 17/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016  của Bộ Xây dựng hướng dẫn về năng lực của tố chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng

2. Thẩm quyền cấp phép

  • Cơ quan chuyên trách thuộc Bộ xây dựng cấp giấy chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cấp I.
  • Sở xây dựng :Cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, III với tổ chức có trụ sở tại địa bàn thuộc quản lý của mình.
  • Trong trường hợp tổ chức muốn cấp giấy chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng với nhiều lĩnh vực với nhiều loại hạng khác nhau, thì tổ chức có thể đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động của mình và nộp hồ sơ tại Bộ xây dựng

3. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

Để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, tổ chức hoạt động xây dựng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

– Tổ chức phải có giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

– Những cá nhân đảm nhận chức danh chủ chốt trong tổ chức phải có hợp đồng lao động với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;

–  Cá biệt, đối với các dự án, công trình có tính chất đặc thù như: Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy sản xuất hóa chất độc hại, sản xuất vật liệu nổ, những cá nhân đảm nhận chức danh chủ chốt thì ngoài yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề tương ứng với loại công việc thực hiện còn phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án.

4. Hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng gồm :

a. Đơn xin đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo mẫu do Bộ xây dựng quy định.

b. Bản sao có chứng thực giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.

c. Bản kê khai danh sách theo mẫu những cá nhân nắm giữ chức danh chủ chốt trong tổ chức theo mẫu của Bộ xây dựng quy định.

d. Bản kê khai theo mẫu của Bộ xây dựng về kinh nghiệm của tổ chức, ít nhất 3 công việc tiêu biểu trong thời gian gần nhất cho mỗi lĩnh vực liên quan đến nội dung đăng ký chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

e.. Bản kê khai năng lực tài chính, bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu : máy móc, thiết bị, phần mềm vi tính.. theo yêu cấu riêng của từng lĩnh vực đăng ký.

f.Quy trình quản lý chất lượng, quy trình thực hiện công việc ứng với từng lĩnh vực đăng ký cấp chứng chỉ năng lực hoạt đông.

5. Thủ tục 

Bước 1:  Nộp hồ sơ

Tổ chức có nhu cầu xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng gửi 1 bộ hồ sơ theo mẫu qua bưu điện hoặc trực tiếp mang nộp tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bước 2: Thẩm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực xây dựng có trách nhiệm kiểm tra sự đầy đủ và tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ thiếu hồ sơ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực thông báo bằng văn bản tới tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực để yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc tổ chức phúc tra để xác minh hồ sơ nếu cần thiết

Bước 3:  Đánh giá năng lực hoạt động của tổ chức

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập hội đồng xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Hội đồng xét cấp chứng chỉ năng lực có trách nhiệm đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức trình.

Thời gian đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực không quá 10 ngày đối với Chứng chỉ năng lực hạng II và III kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 Bước 4: Cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày quyết định cấp chứng chỉ năng lực, Cơ quan có thẩm quyền hoặc bộ phận chuyên trách có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị cấp Mã số chứng chỉ năng lực tới Bộ Xây dựng.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Xây dựng có trách nhiệm phát hành Mã số chứng chỉ năng lực, đồng thời thực hiện việc tích hợp thông tin để quản lý, tra cứu chứng chỉ năng lực và công bố thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là sự đánh giá năng lực của cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý về hoạt động xây dựng  đối với tổ chức tham gia hoạt động xây dựng. Đây cũng là điều kiện  để các công ty xây dựng tham gia đấu thầu và hoạt động xây dựng các công trình trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Để biết thêm chi tiết về thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, Qúy khách vui lòng liên hệ Luật Kết Nối để được tư vấn.

Trân trọng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay