Phân biệt công chứng và chứng thực – Luật Kết Nối

 Hỏi:

Tôi vẫn thường hay nghe nói đến khái niệm “ công chứng”  “ chứng thực” nhưng chưa hiểu bản chất là như thế nào? Có sự khác nhau giữa 2 khái niệm này không? Mong Luật sư giải đáp giúp.

Đáp:

Trong cuộc sống hàng ngày người dân thường hay nói khái niệm “ công chứng” và “ chứng thực” nhưng ít người hiểu bản chất và rất nhiều người nghĩ rằng “ công chứng” và “chứng thực” là như nhau. Văn phòng Luật sư Kết Nối giúp bạn phân biệt 2 khái niệm này.

 Theo khoản 1, điều 2 Luật công chứng 2014 quy định: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”

Điều 77 Luật công chứng 2014 quy đinh Công chứng viên cũng có quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.

Còn chứng thực là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 5, Nghị định 23/2015 (bao gồm: Trưởng, Phó phòng tư pháp, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã,Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc

Như vậy, hoạt động công chứng và chứng thực khác nhau ở một số điểm cơ bản sau:


Thứ nhất, về chủ thể thực hiện
 

Hoạt động công chứng được thực hiện bởi công chứng viên của các văn phòng công chứng.

Hoạt động chứng thực được thực hiện chủ yếu bởi cán bộ tư pháp cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài ra công chứng viên cũng có thẩm quyền.

Thứ hai, về đối tượng thực hiện

Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Ví dụ: Công chứng hợp đồng thế chấp BĐS, Hợp đồng ủy quyền, văn bản thừa kế,…

Chứng thực  là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính hoặc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực. Ví dụ UBND chứng thực bản sao từ bản chính của sổ hộ khẩu, CMND,…

Thứ ba, về trình tự, thủ tục

Trình tự, thủ tục công chứng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng; còn việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Trân Trọng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay