Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán”- Nhìn từ góc độ pháp lý?

Việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam vào tối ngày 29/3 vì tội “thao túng thị trường chứng khoán” được coi là một biện pháp mạnh để răn đe những trường hợp lợi dụng tình hình để đầu tư trục lợi.

Mấy ngày qua, thông tin về ông Trịnh Văn Quyết bị bắt đã tác động ít nhiều tới thị trường chứng khoán, nhưng có thể thấy, những cổ phiếu giảm sàn, giảm sâu đều là những cổ phiếu liên quan tới vị đại gia này.

Nếu cơ quan chức năng xác định hành vi của ông Trịnh Văn Quyết là “bán chui” cổ phiếu có tổ chức nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo kích cổ phiếu tăng giá để bán kiếm lời bất chính khoảng 530 tỷ đồng của ông Trịnh Văn Quyết thì cần phải có một biện pháp răn đe đủ mạnh. Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, tội danh ông Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố có hai khung hình phạt. Trong đó khung cao nhất là 7 năm tù giam.

Theo khoản 3, Điều 12 Luật chứng khoán năm 2019, thao túng thị trường chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Khoản 2, Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP có quy định về những hành vi được coi là giao dịch thao túng thị trường chứng khoán, gồm:

“Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;”

Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

Về chế tài xử lý, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, người nào thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 1-3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khung hình phạt sẽ cao hơn, phụ thuộc vào số tiền thiệt hại và thu lời bất chính. Người vi phạm sẽ đối mặt với hình phạt tối đa 7 năm nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên.

Cũng từ những hành vi thao túng thị trường chứng khoán trên, có thể thấy các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm chứng khoán hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, dễ làm méo mó thị trường. Đã đến lúc cần phải hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật liên quan đến xử phạt chứng khoán theo hướng xử lý nghiêm để thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay