Nhãn hiệu hàng hóa là gì?
Căn cứ theo khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2009, 2019, 2022), Nhãn hiệu có thể hiểu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Trong pháp luật trí tuệ cũng như các loại văn bản pháp luật liên quan khác chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về nhãn hiện hàng hóa. Nhưng căn cứ vào khái niệm nhãn hiệu nói chung, chúng ta có thể hiểu ngắn gọn, nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
Nhãn hiệu nói chung hay nhãn hiệu hàng hóa nói riêng sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:
- Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
- Nhãn hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa của chủ sở hữu nhãn hiệu so với hàng hóa của những chủ thể khác. Theo đó, khả năng phân biệt ở đây được hiểu là nhãn hiệu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ.
Quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
Được quy định cụ thể tại Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), có thể hiểu quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa một số trường hợp nổi bật như sau:
– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất.
– Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa thì đều có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận nếu như không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó;
– Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Việt Nam là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.