Cây trồng hàng năm là đối tượng cây trồng khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, việc không sử dụng thường xuyên hay không thực hiện khai thác liên tục trong 12 tháng thì người trồng cây hàng năm sẽ chịu một số hậu quả pháp luật.
Nhà nước thu hồi đất là gì?
Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về việc nhà nước thu hồi đất như sau:
Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
Đất trồng cây hằng năm là gì?
Theo quy định mới nhất của Việt Nam về phân loại đất đai tại Việt Nam thì hiện nay có 3 nhóm đất chính là: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Trong đó đất trồng cây hàng năm khác thuộc nhóm đất nông nghiệp để chỉ loại đất không phải là đất trồng lúa; chẳng hạn như các loại cây rau, hoa màu, cây dược liệu, trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên để cải tạo, chăn nuôi gia súc.
Cụ thể, đất trồng cây hàng năm là đất được sử dụng vào mục đích gieo trồng, thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời hạn không quá 1 năm, kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá 5 năm và trường hợp đất trồng cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ.
Người được giao đất trồng cây hàng năm không sử dụng, khai thác liên tục trong 12 tháng có bị Nhà nước thu hồi đất không?
Trường hợp thu hồi đất trồng cây hàng năm được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 như sau:
Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
…
g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
…
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện thu hồi đất trồng cây hàng năm bị bỏ hoang trong vòng 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm bị bỏ hoang trong vòng 18 tháng liên tục và đất trồng rừng bị bỏ hoang trong vòng 24 tháng liên tục.
Điều này có nghĩa là nếu đất trồng cây hàng năm không được đưa vào canh tác trong thời hạn 12 tháng liên tiếp, quyền sử dụng của người sở hữu sẽ mất và Nhà nước có quyền thu hồi đất.
Quy trình thu hồi đất sẽ phụ thuộc vào chủ thể sở hữu đất, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 tại Điều 66. Ví dụ, nếu chủ thể sở hữu là tổ chức, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ thực hiện thu hồi; còn nếu là cá nhân hoặc hộ gia đình, thì Ủy ban Nhân dân cấp huyện sẽ là đơn vị thực hiện quy trình thu hồi. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể sở hữu đất được xác định và thực hiện một cách công bằng và minh bạch.