Phía người lao động và người sử dụng lao động đều có thể nhận lại những lợi ích nhất định khi hợp tác với nhau, lợi ích này chủ yếu là nguồn lợi ích vật chất. Vậy, pháp luật Việt Nam có cho phép doanh nghiệp thuê người dưới 18 tuổi để làm việc hay không?
Người lao động là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, có thể hiểu Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.
Thuê người lao động dưới 18 tuổi có vi phạm pháp luật không?
Pháp luật dân sự và pháp luật lao động đều ghi nhận người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Căn cứ vào khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
“4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động..”
Như vậy, pháp luật không cấm việc thuê người lao động dưới 18 tuổi, tuy nhiên đối với người trong độ tuổi này thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.
Thời giờ làm việc của người dưới 18 tuổi
– Đối với người chưa đủ 15 tuổi thì trong 01 ngày thời giờ làm việc không được quá 04 giờ và không được quá 20 giờ trong 01 tuần. Nghiêm cấm việc sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm.
– Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi trong 01 ngày thời giờ làm việc không được quá 08 giờ và không được quá 40 giờ trong 01 tuần. Pháp luật cho phép người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm đối với một số nghề, công việc do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định.
Xử lý các vi phạm quy định về lao động chưa thành niên
Nếu người sử dụng lao động có các hành vi vi phạm về sử dụng lao động chưa thành niên thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: không xuất trình sổ theo dõi riêng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; không tiến hành lập sổ theo dõi riêng hoặc không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định vào sổ theo dõi riêng.
– Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi vi phạm sau:
- Để người lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc theo quy định;
- Không tiến hành giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi hoặc không nhận được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi khi giao kết hợp đồng lao động;
- Người sử dụng lao động sắp xếp, sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm mà không thuộc trong danh mục các ngành nghề được pháp luật cho phép;
- Người sử dụng lao động sắp xếp, sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm.
– Bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng – 75.000.000 đồng nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
- Giao kết hợp đồng với người lao động chưa thành niên và để họ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm những công việc, làm tại những nơi có thể ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành; để người chưa thành niên làm những công việc hoặc làm việc tại những nơi bị cấm theo quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Hành vi sử dụng người từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi để làm những công việc nằm ngoài các công việc được ghi nhận trong danh mục các công việc được pháp luật cho phép theo quy định của pháp luật;
- Hành vi sử dụng những người dưới 13 tuổi để làm những công việc nằm ngoài danh mục các công việc được pháp luật cho phép theo quy định của pháp luật.
Như vậy nếu muốn sử dụng người lao động là người chưa thành niên thì người sử dụng lao động phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên.