CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN TÁC GIẢ CÓ PHẢI CHỊU THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN KHÔNG?

Bên cạnh những loại chuyển nhượng thông dụng như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp,… pháp luật Việt Nam còn có quy định về chuyển nhượng quyền tác giả. Vậy Chuyển nhượng quyền tác giả có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Chuyển nhượng quyền tác giả có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Các khoản thu nhập chịu thuế

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

7. Thu nhập từ bản quyền

Thu nhập từ bản quyền là thu nhập nhận được khi chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Cụ thể như sau:

a) Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn liên quan, bao gồm:

a.1) Đối tượng quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm: ghi hình, ghi âm chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

a.2) Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

a.3) Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

b) Đối tượng của chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Luật Chuyển giao công nghệ, bao gồm:

b.1) Chuyển giao các bí quyết kỹ thuật.

b.2) Chuyển giao kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu.

b.3) Chuyển giao giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ nêu trên bao gồm cả trường hợp chuyển nhượng lại.

Như vậy, theo quy định, cá nhân khi chuyển nhượng quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, khoa học thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền chuyển nhượng quyền tác giả là gì?

Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền chuyển nhượng quyền tác giả được quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ bản quyền

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền bản quyền là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ tiền bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

Trường hợp cùng là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ nhưng hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng thực hiện làm nhiều hợp đồng với cùng một đối tượng sử dụng thì thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng tính trên tổng các hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng

Trường hợp đối tượng chuyển giao, chuyển quyền là đồng sở hữu thì thu nhập tính thuế được phân chia cho từng cá nhân sở hữu. Tỷ lệ phân chia được căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, theo quy định, thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền chuyển nhượng quyền tác giả là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được khi chuyển giao quyền tác giả.

Chuyển nhượng quyền tác giả có bắt buộc phải lập thành hợp đồng không?

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên cũng như khẳng định vị trí độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, pháp luật quy định hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải được lập thành văn bản (khoản 1 Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là hợp đồng có đối tượng rất đặc biệt, đó là một số quyền nhân thân và quyền tài sản nhất định cho nên khi được chuyển giao thì bên được chuyển giao cũng không thể nắm giữ thực tế đối tượng này, hiểu một cách đơn giản thì đây là tài sản vô hình. Chính vì thế để bảo vệ quyền lợi cho các bên, pháp luật đã quy định hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản. Tùy theo sự thỏa thuận của các bên mà hình thức này có thể là văn bản thường hoặc văn bản có công chứng, chứng thực.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả thể hiện rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình chuyển nhượng. Ngoài ra hợp đồng còn là một căn cứ vững chắc cho việc xác định phạm vi chuyển nhượng, thời hạn chuyển nhượng, vấn đề về bồi thường thiệt hại, và các điều khoản khác liên quan đến giao dịch chuyển nhượng quyền tác giả. Việc lập thành hợp đồng chuyển nhượng sẽ giúp giảm thiểu tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay