CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH CÓ ĐƯỢC BẢO HỘ DƯỚI DANH NGHĨA SÁNG CHẾ KHÔNG?

Xã hội ngày càng phát triển, đối tượng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng theo đó mà ngày càng rộng mở hơn, trong đó có chương trình máy tính. Vậy chương trình máy tính là gì? Liệu rằng chương trình máy tính có được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế hay không?

Chương trình máy tính là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022) thì định nghĩa về chương trình máy tính được đưa ra như sau: Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể.

Phần mềm máy tính là gì? Tổng hợp toàn bộ kiến thức cơ bản

Chương trình máy tính có được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế không?

Cũng tại khoản 1 Điều 22 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “…Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”

Bên cạnh đó, Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm:

  • Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
  •  Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
  •  Cách thức thể hiện thông tin;
  •  Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
  •  Giống thực vật, giống động vật;
  •  Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
  •  Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Theo đó, chương trình máy tính thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính mà không được bảo hộ dưới dạng các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.

Sở dĩ chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học bởi lẽ:

Thứ nhất, quy định của pháp luật Việt Nam phải phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước Berne (1971) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật & Hiệp định TRIPS).

  • Công ước Berne quy định: chương trình máy tính được bảo hộ như một tác phẩm văn học và
  • Khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPS quy định: các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne.

Để đảm bảo pháp luật quốc gia phù hợp với Điều ước quốc tế nói trên, Chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng Bản quyền tác giả tương tự như một tác phẩm văn học dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

Thứ hai, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: ‘‘Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký’’ (Điều 6). Như vậy, nguyên tắc bảo hộ tự động theo pháp luật quyền tác giả có tác động rất tích cực đối với việc bảo hộ chương trình máy tính. Điều này có nghĩa là thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với một chương trình máy tính là kể từ lúc chương trình đó được định hình dưới một dạng vật chất nhất định mà không cần phải tiến hành bất kỳ một thủ tục nào.

Thứ ba, tác giả/ chủ sở hữu chương trình máy tính sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế khi những chương trình này bị sao chép một cách bất hợp pháp. Như vậy, đối với một chương trình máy tính, quyền tài sản quan trọng nhất là quyền sao chép tác phẩm. Khi bảo hộ chương trình máy tính theo hình thức quyền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể vận dụng các quyền quy định tại Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ để cấm chủ thể khác sao chép chương trình máy tính một cách bất hợp pháp. Như vậy, bảo hộ chương trình máy tính dưới dạng tác phẩm sẽ tạo ra cơ chế mạnh nhất nhằm ngăn cản sự sao chép bất hợp pháp chương trình máy tính và thậm chí là ngăn cản chủ thể khác làm tác phẩm phái sinh khi chưa xin phép tác giả/chủ sở hữu chương trình máy tính.

Thứ tư, quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức tác phẩm mà không bảo hộ về nội dung, ý tưởng của tác phẩm. Do vậy, khi chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng tác phẩm thì nó sẽ không ngăn cản những chủ thể khác tiến hành phân tích ngược để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của chương trình máy tính; từ đó phát triển, cải tiến chương trình máy tính. Điều này có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh chóng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay