Trong thực tế cuộc sống,rất nhiều đôi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn.Giữa họ không tồn tại mối quan hệ nào về mặt pháp lí và hôn nhân của họ không được pháp luật bảo vệ. Trong quá trình sống chung với có rất nhiều đôi nam nữ phát sinh các vấn đề liên quan đến tài sản chung như cùng kinh doanh chung,mua tài sản chung hoặc cùng nhau tạo lập nên các khối tài sản chung khác.
Vậy,khi họ không còn lí do để tiếp tục sống chung nữa thì hậu quả pháp lí về tài sản chung sẽ được giải quyết như thế nào?Hãy cùng chúng tôi tìm hiều ngay sau đây:
1.Thế nào là chung sống như vợ chồng.
Theo khỏan 3 Điều 7 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.” Việc nam nữ tổ chức sống chung với nhau, coi nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn được coi là chung sống như vợ chồng. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung…
Pháp luật không cấm đôi nam nữ độc thân có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng kí kết hôn mà tự nguyện sống chung với nhau như vợ chồng nhưng pháp luật cũng không khuyến khích và bảo vệ hôn nhân giữa họ.Tuy nhiên, việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng có thể là hành vi vi phạm pháp luật nếu “người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình”.Hành vi vi phạm pháp luật này tùy theo tính chất và mức độ mà có thể bị xử lí hành chính hoặc hình sự..
2.Chung sống với nhau như vợ chồng chia tài sản chung như thế nào?
Nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì việc giải quyết hậu quả sẽ được quy định tại điều 14 Luật hôn nhân gia đình như sau “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”
Nam nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn cho nên sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, kéo theo đó sẽ họ không cần phải làm thủ tục ly hôn khi không muốn chung sống với nhau nữa.Mặc dù quan hệ hôn nhân giữa họ pháp luật không điều chỉnh nhưng các vấn đề liên quan đến tài sản chung và con chung pháp luật vẫn có quy định.
Cụ thế, Đối với tài sản riêng của mỗi người thì tài sản của ai sẽ do người đó sở hữu còn quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung phát sinh trong thời kì sống chung như vợ chồng sẽ được giải quyết theo điều 16 Luật hôn nhân gia đình.Theo đó “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp phápcủa phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Cụ thể việc chia tài sản chung của hai người sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 “Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”
Có thể nói pháp luật hôn nhân gia đình vẫn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên khi điều chỉnh vấn đề về phân chia tài sản chung trong trường hợp sông chung như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn. Trong trường hợp không phân chia được thì hai bên có thể khởi kiện tại Tòa án để giải quyết tranh chấp chia tài sản.