Để có thể đảm bảo được việc lao động hiệu quả cũng như việc thực hiện nghiêm túc những cam kết từ đầu giữa người lao động và người sử dụng lao động thì việc đưa ra những hình thức kỷ luật lao động là vô cùng cần thiết. Những hình thức này đóng vai trò là công cụ giúp người sử dụng lao động có thể kiểm soát, quản lý cũng như tránh rủi ro trong quá trình kinh doanh khi có những sai phạm xảy ra của người lao động.
Kỷ luật lao động là gì?
Dưới góc độ pháp lí với tư cách là chế định của Luật lao động, kỉ luật lao động được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như các biện pháp xử lí đổi với những người không chấp hành hoặc không chấp hành đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đó. Kế thừa và phát huy tinh thần các quy định tại Hiến pháp năm 2013 đồng thời để làm rõ nghĩa hơn khái niệm này, Bộ luật lao động năm 2019 tại Điều 117 quy định:
“Kỉ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định ”.
Có bao nhiêu hình thức xử lý kỷ luật lao động?
Căn cứ theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Như vậy, theo quy định hiện nay, khi tiến hành xử lý kỷ luật người lao động thì người sử dụng lao động được áp dụng 04 hình thức kỷ luật đó là: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức, sa thải.
Trình tự xử lý kỷ luật lao động
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại Điều 122 Bộ luật lao động 2019 được hướng dẫn bởi Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể trình tự xử lý kỷ luật lao động được thực hiện như sau:
Bước 1: Lập biên bản vi phạm
Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động phải tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người lao động.
Bước 2: Thông báo đến tổ chức đại diện, người đại diện của người lao động
Sau khi lập biên bản, người sử dụng lao động thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi.
Bước 3: Thu thập chứng cứ chứng minh lỗi
Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện việc thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
Nếu vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động.
Bước 4: Thông báo thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động
Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:
– Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo các thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp, bao gồm:
+ Nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động;
+ Họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động;
+ Hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động.
– Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động.
Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp.
Bước 5: Họp xử lý kỷ luật lao động
Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
Bước 6: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động
Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự được quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019.