CÁC GIẤY TỜ ĐỂ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Đi cùng với sự phát triển không ngừng của thời đại, các thiết chế do Nhà nước thiết lập để các chủ thể trong xã hội đảm bảo thực hiện quyền trong việc xây dựng gia đình của mình cũng ngày càng được hoàn thiện, một trong số đó chính là vấn đề đăng ký kết hôn.

Kết hôn là gì?

Dưới góc độ pháp lý, kết hôn chính là sự kiện pháp lý nhằm xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn  (theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Để đảm bảo có thể tạo ra những tế bào khỏe mạnh, những gia đình ổn định, hạnh phúc thì trước hết ngay từ việc kết hôn của hai bên nam nữ đã phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định, hệ quả pháp lý của việc này sẽ là cuộc hôn nhân đó sẽ được công nhận bởi toàn xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Vì vậy, hệ thống pháp luật về HN&GĐ tại Việt Nam hiện nay thì nam nữ kết hôn được coi là hợp pháp khi đảm bảo hai yếu tố sau:

Thứ nhất, phải thể hiện ý chí của cả nam và nữ là mong muốn được kết hôn với nhau. Y chí và mong muốn ấy phải được thể hiện bằng lời khai của cả hai bên nam và nữ trong tờ khai đăng ký kết hôn cũng như trước các cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc kết hôn phải được thừa nhận bởi Nhà nước.  Hôn nhân chỉ được Nhà nước thừa nhận khi việc xác lập quan hệ hôn nhân mà cụ thể là việc kết hôn phải tuân thủ pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Đăng ký kết hôn 2022 cần giấy tờ gì? [Mới nhất]

Đăng ký kết hôn là gì?

Có thể thấy rằng đăng ký kết hôn là một trong hai yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên một mối quan hệ hôn nhân hợp pháp. Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Để hôn nhân có giá trị pháp lý thì người kết hôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn.

Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng (Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Điều kiện đăng ký kết hôn

Điều kiện đăng ký kết hôn là chuẩn mực pháp lý gắn liền với bản thân các bên kết hôn, đòi hỏi hai bên kết hôn phải đáp ứng, trên cơ sở đó, việc kết hôn của các bên được nhà nước công nhận là hợp pháp. Theo đó không ai bị buộc phải kết hôn, nhưng ai cũng bị buộc phải tuân theo luật hôn nhân một khi người đó kết hôn… hôn nhân không thể phục tùng sự tùy tiện của người kết hôn mà trái lại sự tùy tiện của người kết hôn phải phục tùng bản chất của hôn nhân. Vì vậy, hiện nay, nam nữ khi kết hôn phải tuân thủ các điều kiện được quy định tại Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 bao gồm:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

– Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Quy định về điều kiện kết hôn là những quy định bắt buộc hai bên nam nữ phải tuân thủ khi kết hôn, trong đó nhấn mạnh các điều kiện đó là điều kiện về tuổi kết hôn, về sự tự nguyện quyết định việc kết hôn, về năng lực hành vi dân sự và đặc biệt không thuộc các trường hợp cấm kết hôn.

Các giấy tờ để đăng ký kết hôn

Đối với trường hợp kết hôn trong nước

Được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch , khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần nộp và xuất trình các giấy tờ sau khi đăng ký kết hôn:

– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu được pháp luật quy định;

– Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh (đang còn thời hạn sử dụng)

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã nơi cư trú cấp.

– Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.

Đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài

Nếu việc kết hôn có yếu tố nước ngoài thì căn cứ theo Điều 30 Nghị định 123/2015 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch, hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu pháp luật quy định;

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp và còn giá trị sử dụng;

– Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác, có đủ khả năng để nhận thức và làm chủ hành vi của mình;

– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay