Hiện nay, có nhiều trường hợp vì không muốn người lao động tự ý chấm dứt hợp đồng hoặc một số nguyên nhân khác nên người sử dụng lao động đã giữ những giấy tờ gốc về bằng cấp, giấy tờ tùy thân…. Điều này làm cho người lao động luôn ở trong tình thế bất an, không thể chấm dứt hợp đồng để xin làm công việc khác vì hồ sơ không đầy đủ. Vậy Có được giữ hồ sơ gốc của người lao động không?
Giấy tờ, văn bằng gốc là gì?
Giấy tờ gốc là văn bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền. Được các cơ quan có thẩm quyền ký giấy tờ đó đảm bảo độ tin cậy và hợp pháp. Giấy tờ gốc có nhiều hình thức: giấy chứng nhận, chứng minh thư, giấy khai sinh,…
Bằng gốc có thể hiểu là giấy tờ là bằng bản chính có chữ ký của cơ sở có thẩm quyền ký xác minh hoàn thành khóa học hoặc đào tạo của cá nhân: Bằng đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề,… Nội dung của bằng sẽ thể hiện trình độ chuyên môn, học vấn và năng lực của cá nhân trong khoảng thời gian tham gia các hoạt động đào tạo.
Có được giữ hồ sơ gốc của người lao động không?
Căn cứ Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định về những điều người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo quy định trên thì pháp luật quy định người sử dụng lao động sẽ không có quyền giữ giấy tờ gốc (bao gồm giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ) của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.
Mức xử phạt khi người sử dụng lao động giữ giấy tờ bản gốc ?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau:
Cụ thể mức Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
- Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
- Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.”
Ngoài việc bị phạt tiền thì người sử dụng lao động còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 điều 4 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì người sử dụng lao động buộc phải trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động.
Cũng theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần:
Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương V Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
Như vậy người sử dụng lao động giữ các văn bằng giấy tờ gốc của người lao động có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, còn đối với tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.