Với xu thế hội nhập, các quốc gia trên thế giới đã và đang có những giao dịch với khối lượng hàng hóa ngày càng lớn. Trong đó, Việt Nam là một quốc gia cũng đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật thì các phương tiện vận tải và các cơ sở hạ tầng khác của giao thông đều đang được nâng cao từng ngày. Đồng thời đẩy mạnh sự xuất hiện của ngày càng nhiều các hình thức vận tải mới, trong đó có vận tải đa phương thức quốc tế. Đây là một ngành dịch vụ khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đầy tiềm năng vì đất nước mình là một nơi có số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu khá nhiều và đa dạng, là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy nên, ngay dưới bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này:
- Các khái niệm
“Vận tải đa phương thức quốc tế” là vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại (khoản 2, điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức).
- Điều kiện đăng ký kinh doanh
Được quy định cụ thể tại khoản 2, điều 1, Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về vận tải đa phương thức như sau:
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam:
Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật;
Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
Đối với doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN/ doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức:
Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp;
Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
- Hồ sơ đăng ký
Tại khoản 3, điều 1, Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về vận tải đa phương thức, quy định các hồ sơ như sau:
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương theo quy định của pháp luật;
Báo cáo tài chính được kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện kiểm toán thì phải được tổ chức ngân hàng hoặc tổ chức, cá nhân khác bảo lãnh tương đương; hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật.
Đối với doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN/ doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do Cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp và đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
- Thời gian Cơ quan Nhà nước xử lý hồ sơ
Thời hạn bổ sung (nếu chưa đầy đủ): Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do trong 3 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ từ phía doanh nghiệp.
Thời hạn cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế cho doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về vận tải đa phương thức (nếu hồ sơ phù hợp) là trong 5 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ từ phía doanh nghiệp.
- Thời hạn
Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.