Hiện nay, thời điểm cận kề ngày Tết cổ truyền, lượng hàng hóa trao đổi ngoài thị trường tăng lên đột biến, mặc dù nước ta vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid – 19. Trong đó có lượng lớn hàng hóa không có giấy tờ, lượng hàng hóa này được vận chuyển tới nhiều nơi để tiêu thụ. Lực lượng chức năng (công an kinh tế và quản lý thị trường) đã kiểm tra và xử phạt rất nhiều vụ việc về vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ, liệu rằng ngoài xử phạt hành chính là phạt tiền thì hành vi vi phạm này có bị xét vào hành vi vi phạm về tội buôn lậu hàng hóa hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi trên như sau:
Thứ nhất, Buôn lậu được hiểu là hành vi buôn bán trái phép hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, hàng cấm qua biên giới Việt Nam. Phân tích về hành vi buôn lậu như sau:
– Về hành vi. Việc buôn bán trái phép được thể hiện qua hành vi mua/bán hàng hóa không có giấy phép/không đúng với nội dung giấy phép xuất, nhập khẩu và các quy định khác của Nhà nước về hải quan.
– Khách thể: Hành vi phạm tội buôn lậu xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu.
– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
– Chủ thể: Chủ thể của tội buôn lậu là bất kỳ người, pháp nhân nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Đối tượng: Khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập lậu gồm: hàng nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng không hợp pháp; hàng nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng quyết định cho phép nhập khẩu; hàng nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại khi làm thủ tục hải quan…
Thứ hai, đối với hành vi vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ. Đối với xe chở hàng thuê, họ có trách nhiệm phải tìm hiểu hàng hóa mà họ vận chuyển có hóa đơn, chứng từ hay không, có thuộc diện hàng cấm hay không. Trách nhiệm chứng minh người lái xe biết hay không biết thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống buôn lậu. Trường hợp cơ quan chức năng chứng minh được lái xe biết hoặc buộc phải biết hàng hóa đó không có hóa đơn nhưng vẫn cố tình vận chuyển thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người lái xe có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu.
Về xử phạt hành chính, theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người kinh doanh, cố ý vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vận tải vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nặng hơn, người đó có thể bị xử lý hình sự theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Do vậy, để nhận biết rằng người lái xe có bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội Buôn lậu hay không thì phải tùy vào hành vi của họ ở mức độ, tính chất như thế nào. Cùng với các minh chứng chứng minh xem hành vi này có phải là cố ý hay vô tình. Vậy nên, bên vận chuyển hàng hóa cần yêu cầu bên kia cung cấp những giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, số lượng,… vì đây là trách nhiệm, quyền lợi của họ.