Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, không ít trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ nần đến mức không thể thanh toán được. Trong trường hợp đó, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động được nữa và để bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ và tạo ra “lối thoát” cho doanh nghiệp, pháp luật quy định về phá sản doanh nghiệp.
Phá sản được định nghĩa là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Phá sản được được coi là thủ tục đòi nợ tập thể của các chủ nợ đối với một doanh nghiệp. Nó được đặt ra với mục đích cuối cùng là để lấy tài sản của doanh nghiệp chia cho các chủ nợ nhằm bù đắp số nợ mà doanh nghiệp chưa thanh toán được. Thủ tục phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản năm 2014 được thực hiện như sau:
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Những người sau đây có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp sau khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán khoản nợ mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán:
- Chủ nợ không có đảm bảo hoặc có đảm bảo một phần;
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp công đoàn cơ sở tại những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
Những người sau đây có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán:
- Người đại diện của doanh nghiệp;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần.
- Trừ trường hợp điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất là 06 tháng đối với công ty cổ phần.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết phá sản:
Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết các vụ việc phá sản đối với doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại cùng tỉnh thành với Tòa án và trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp có tài sản ở nước ngoài hoặc có người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
- Doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- Doanh nghiệp có bất động sản ở nhiều quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện nhưng do tính chất phức tạp nên được TAND cấp tỉnh lấy lên giải quyết.
TAND cấp huyện giải quyết phá sản đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cùng với Tòa án và không thuộc trường hợp giải quyết của TAND cấp tỉnh.
Thụ lý đơn và quyết định mở thủ tục phá sản
- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể nộp đơn trực tiếp tại tòa hoặc nộp qua đường bưu điện.
- Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án TAND phân công thẩm phán giải quyết vụ việc phá sản;
- Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét đơn và xử lý như sau:
+ Nếu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí, tạm ứng chi phí phá sản trừ trường hợp được miễn nộp lệ phí, tạm ứng chi phí phá sản
+ Nếu đơn chưa đầy đủ nội dung theo quy định thì thông báo cho người nộp đơn bổ sung nội dung đơn
+ Chuyển đơn cho TAND có thẩm quyền nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án tiếp nhận đơn
+ Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
- Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. Nếu không phải nộp lệ phí, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý đơn là thời điểm nhận đơn hợp lệ.
Quyết định mở thủ tục phá sản
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản trừ trường hợp tuyên bố doanh nghiệp phá sản ngay
- Quyết định mở thủ tục phá sản phải được gửi người nộp đơn, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có trụ sở chính
- Quyết định không mở thủ tục phá sản phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp
Thứ tự phân chia tài sản
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Đề nghị xem xét lại, kháng nghị Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị Quyết định
Hoạt động của doanh nghiệp sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản
- Doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản nhưng đặt dưới sự giám sát của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản
- Hoạt động của doanh nghiệp bị cấm sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản:
+ Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;
+ Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp,
+ Từ bỏ quyền đòi nợ;
+ Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Gửi giấy đòi nợ và lập danh sách chủ nợ
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Giấy đòi nợ phải có các nội dung sau:
+ Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ;
+ Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).
- Kèm theo giấy đòi nợ là tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn gửi giấy đòi nợ, quản tài viên, doanh nghiệp thay lý quản lý tài sản phải lập xong danh sách chủ nợ và công khai danh sách chủ nợ.
Hội nghị chủ nợ
- Điều kiện tiến hành Hội nghị chủ nợ: Có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% số nợ không có bảo đảm. Chủ nợ không tham gia nhưng gửi ý kiến cho Thẩm phán trước ngày tổ chức Hội nghị chủ nợ. Ý kiến về một trong các nội dung của Nghị quyết Hội nghị chủ nợ thì được coi là tham dự Hội nghị.
- Triệu tập và gửi thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ: Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ
- Thành phần tham dự Hội nghị chủ nợ:
+ Chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
+ Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền; trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
+ Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có bảo đảm;
+ Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ; trường hợp không tham gia được thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như người ủy quyền.\
- Hội nghị chủ nợ quyết định các vấn đề sau:
+ Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán
+ Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tuyên bố doanh nghiệp phá sản
- Tuyên bố doanh nghiệp phá sản theo thủ tục rút gọn: Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản ngay sau thời điểm thụ lý đơn nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người có nghĩa vụ nộp đơn và doanh nghiệp không còn tài sản để nộp lệ phí phá sản, thanh toán chi phí phá sản.
- Tuyên bố phá sản khi hội nghị chủ nợ không thành:
+ Tuyên bố doanh nghiệp hợp tác xã phá sản khi triệu tập Hội nghị chủ nợ đến lần thứ hai vẫn không đủ điều kiện tiến hành Hội nghị chủ nợ;
+ Tuyên bố phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết.
Tuyên bố phá sản theo nghị quyết của Hội nghị chủ nợ.