Từ ngày 01/01/2017, Bộ luật dân sự 2015 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Bộ luật dân sự 2005. Để đáp ứng được những thay đổi, chuyển biến trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, Bộ luật dân sự 2015 đã có những điểm mới như sau:
1. Lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam cho phép chuyển đổi giới tính
Một chế định rất mới mẻ, nhân văn, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội văn minh.
Điều này được quy định cụ thể tại Điều 37, Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Đối với cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định.
2.Cho phép các bên đương sự thỏa thuận lãi suất
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
3. Pháp nhân cũng có thể được làm người giám hộ
Trước đây, chỉ cá nhân mới có quyền được giám hộ. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 quy định, ngoài cá nhân thì pháp nhân cũng có quyền được giám hộ. Điều này được quy định tại Điều 50, Bộ luật dân sự 2015, pháp nhân đáp ứng 2 điều kiện: Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ và có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ thì sẽ được phép làm người giám hộ.
4.Lần đầu tiên quy định về quyền hưởng dụng
Quyền hưởng dụng là một quyền khác đối với tài sản. Quyền này được hiểu là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.
Quyền hưởng dụng được quy định tại Điều 159 của Bộ luật này và được xác lập theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc.
5. Thay đổi về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại
So với Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu cao hơn và có lợi hơn cho các đương sự
Đối với thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng trước đây là 02 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Đến bộ luật dân sự 2015, Điều 429 tăng thời hiệu từ 02 năm lên thành 03 năm
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng được tăng lên thành là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm so với quy định trước đây là 02 năm.
6. Quy định mới về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
So với Bộ luật dân sự 2005, Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Theo đó, thời điểm này thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên.
Trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao ( tức là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản).
Trường hợp nếu tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đồng thời, các thỏa thuận này cần đảm bảo phù hợp với đạo đức, phù hợp với Bộ luật dân sự và pháp luật chuyên ngành.
7. Về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong khi thực hiện giao dịch dân sự, Bộ luật dân sự 2015 đã thêm các chế định về việc thay đổi thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi.
Theo quy định tại Điều 420, hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có các điều kiện như: Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh, rủi ro… thì bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
8. Thứ tự ưu tiên thanh toán trong thừa kế
Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ ràng hơn về thứ tự ưu tiên thanh toán trong vấn đề thừa kế. Theo đó, các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng còn thiếu; Chi phí cho việc bảo quản di sản; Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; Tiền công lao động; Tiền bồi thường thiệt hại; Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách Nhà nước; Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; Tiền phạt; Các chi phí khác.
9.Quy định cụ thể thời hiệu thừa kế
Theo Điều 623, Bộ luật dân sự 2015 quy định, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thừa kế thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
10. Điều kiện của người lập di chúc
So với Bộ luật dân sự cũ, vấn đề điều kiện của người được lập di chúc cũng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, người thành niên có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình nếu đáp ứng các điều kiện sau: Minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; Khi lập di chúc, người lập di chúc không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
Đặc biệt, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Trên đây là 10 điểm mới của Bộ luật dân sự 2015. Để được tư vấn cụ thể hơn, Qúy đọc giả vui lòng Liên hệ Luật Kết Nối để được hỗ trợ.
Trân trọng!