Nghành nghề kinh doanh lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các doanh nghiệp kinh doanh nghành nghề này cần nắm được những quy định pháp luật để tránh tình trạng bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật du lịch năm 2017;
– Luật doanh nghiệp năm 2014.
– Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;
– Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quy định chi tiết một số diều của Luật du lịch.
2. Nội dung thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành
Theo quy định, các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:
+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
+ Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;
+ Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp phải làm thủ tục cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
+ Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
+ Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
+ Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
+ Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, không áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả;, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
+ Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và không có nhu cầu kinh doanh dịch vụ lữ hành nữa thì có thể tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành theo quy định.
Hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:
+ Trường hợp doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành, hồ sơ gồm: thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp;
+ Trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc bị giải thể, hồ sơ gồm: thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp; Quyết định giải thể, biên bản họp của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 201 của Luật Doanh nghiệp; Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định giải thể của Tòa án trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 201 của Luật Doanh nghiệp;
+ Trường hợp doanh nghiệp phá sản, hồ sơ gồm: quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản kèm theo giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp.
Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành:
+ Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. Quyết định thu hồi giấy phép được gửi đến doanh nghiệp, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Trân Trọng !
Bài viết liên quan :
Thủ tục xin Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế