YÊU CẦU PHẢN TỐ CỦA BỊ ĐƠN

Khi tham gia tố tụng dân sự, ngoài quyền phản đối yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn còn có quyền đưa ra yêu cầu lại đối với nguyên đơn.

Yêu cầu phản tố là gì?

Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, thực chất việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình (tức nguyên đơn), nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án vi việc giải quyết yêu cầu của hai bên có mối quan hệ liên quan, chặt chẽ với nhau.

Yêu cầu phản tố bản chất là yêu cầu khởi kiện, vì vậy khi xem xét, giải quyết yêu cầu phản tố cũng thực hiện như thủ tục giải quyết một yêu cầu khởi kiện (thu thập chứng cứ, hòa giải, công khai chứng cứ…).

Điều kiện của yêu cầu phản tố

Một yêu cầu phản tố phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:

(1) Phải độc lập với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Độc lập được hiểu là có thể khác hoặc cùng quan hệ tranh chấp nhưng phải khác về nội dung và nằm ngoài phạm vi của yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập. Theo cố tác giả Chu Xuân Minh thì sự độc lập còn thể hiện “… yêu cầu có thể giải quyết bằng một vụ án riêng, không phụ thuộc vào nhau…”. Độc lập còn thể hiện ở việc đánh giá chứng cứ khi xem xét tính có căn cứ của yêu cầu này.

(2) Phải để bù trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập khi yêu cầu này được chấp nhận (Điều 200 BLTTDS năm 2015).

Ví dụ: A. khởi kiện yêu cầu B trả tiền phí gia công là 200 triệu đồng:

– B. không đồng ý trả với lý do hàng hóa gia công bị lỗi, hỏng. Đây chỉ là ý kiến phản đối của B. không trả và lý do, nó nằm trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của A. Nếu chỉ là ý kiến như vậy, khi tách ra không thể khởi kiện bằng một vụ án khác. Đây không phải là yêu cầu phản tố.

– B. yêu cầu A. phải bồi thường thiệt hại số tiền 200 triệu đồng do hàng hóa gia công bị lỗi, hỏng. Yêu cầu bồi thường thiệt hại của B. là một yêu cầu khác, khác về nội dung và không nằm trong phạm vi của yêu cầu khởi kiện, yêu cầu này có được chấp nhận hay không là phụ thuộc vào việc đánh giá chứng cứ, không phụ thuộc vào việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A. và nếu yêu cầu này của B. được chấp nhận sẽ dẫn đến đối trừ nghĩa vụ trả nợ cho B. Đây là yêu cầu phản tố. Cụ thể hơn, việc đánh giá chứng cứ khi xem xét yêu cầu phản tố là xem xét đến các căn cứ về hành vi trái pháp luật, thiệt hại xảy ra trên thực tế và mối quan hệ nhân quả; còn việc đánh giá chứng cứ khi xem xét yêu cầu khởi kiện là xem xét đến căn cứ có hay không việc nợ tiền phí gia công.

(3) Yêu cầu đưa ra và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự “liên quan với nhau” và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn (Điều 200 BLTTDS năm 2015).

Về thời điểm bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố

Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 thì “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Quy định bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải là một quy định hoàn toàn mới của BLTTDS năm 2015. Bởi vì thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự nói chung trước đây theo BLTTDS năm 2004 thì nhiều trường hợp bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố ngay từ đầu mà có khi đưa ra yêu cầu phản tố trong thời gian chuẩn bị xét xử, có khi bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố tại phiên tòa làm cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài và làm tăng tính phức tạp của bị án. Tuy nhiên, điểm hạn chế của BLTTDS năm 2015 là không quy định rõ bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ mấy. Vì một vụ án có thể mở nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không không nhất giữa các Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, đôi khi là sự “lách luật” để có thể xem xét thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn trong trường hợp bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay