Loạn luân là điều cấm kỵ nhất đối với loài người. Nói tới loạn luân, chắc chắn nhiều người sẽ cho rằng đó là bản năng động vật. Đây là hành vi bất hợp pháp, trái với đạo đức, phẩm chất của con người, và chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự. Thế nhưng tình trạng loạn luân vẫn đang diễn ra trên thực tiễn và những hệ lụy gặp phải là vấn đề vô cùng nhức nhối của xã hội. Vậy quy định pháp luật hình sự về tội loạn luân như thế nào? Hình phạt tội loạn luân?
Như thế nào là loạn luân?
Theo Wikipedia, loạn luân hoặc phi luân là biệt ngữ mô tả mọi hoạt động tình dục giữa những người trong cùng gia đình hoặc những người có liên hệ huyết thống gần gũi. Loạn luân thường bao gồm các hoạt động tình dục giữa những người có quan hệ họ hàng gần (chung dòng máu), và thỉnh thoảng giữa những người có quan hệ luật pháp, con riêng, con nuôi hoặc có liên quan đến hôn nhân (ví dụ con với mẹ kế)…
Tội loạn luân theo quy định của pháp luật
Theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội loạn luân:
“Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về các tội xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự nêu định nghĩa giao cấu như sau:
“1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.”
Khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích:
“17. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.”
Như vậy, tội loạn luân là hai người khác giới giao cấu với nhau mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Dấu hiệu pháp lý của tội loạn luân
Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội loạn luân cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự.
Tội loạn luân là tội phạm nghiêm trọng, nên chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Đồng thời là người có cùng dòng máu trực hệ (là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; cha mẹ với con, ông bà nội ngoại với cháu) với người thuận tình giao cấu.
Tuy nhiên, đó phải là hai người khác giới cùng dòng máu trực hệ. Nếu là cùng giới tính thì không phạm tội này (lúc này, hành vi giao cấu – xâm nhập bộ phận sinh dục nam với nữ không được thực hiện).
Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Thứ nhất, về khách thể loại: Tội phạm đã xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình, thuần phong mỹ tục, hạnh phúc gia đình mà pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Thứ hai, về khách thể trực tiếp: Tội phạm xâm phạm đến sự phát triển bình thường của giống nòi. Bởi, theo tài liệu về y học thì những người cùng dòng máu trực hệ khi giao cấu với nhau mà có con thì đứa con sinh ra sẽ bị quặt quẹo, không khỏe mạnh, chậm phát triển, mang dị tật bẩm sinh rất cao…
Bên cạnh đó, hành vi loạn luân sẽ làm đảo lộn trật tự trong gia đình, tạo nên sự chồng chéo phức tạp giữa các mối quan hệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của gia đình – dòng tộc nói riêng và truyền thống văn hóa của xã hội văn minh nói chung.
Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm
Về hành vi khách quan
Người phạm tội loạn luân là người có hành vi giao cấu với người có cùng dòng máu trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Người có dòng máu trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại.
Tuy nhiên, đối với những người tuy có quan hệ giữa cha, mẹ đối với các con; giữa ông bà với cháu nội, cháu ngoại, nhưng đó không phải là người có dòng máu trực hệ thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội loạn luân, như: giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa bố chồng với con dâu; giữa mẹ vợ với con rể; giữa bố dượng với con riêng của vợ; giữa mẹ kế với con riêng của chồng. Mặc dù những người này không đáp ứng về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình nhưng do không phải là người có dòng máu trực hệ nên việc giao cấu với nhau giữa những người này không phải là hành vi loạn luân. tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà người có hành vi giao cấu có thể bị xử phạt hành chính nếu có sự thỏa thuận, , đồng tình của hai người hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm và cưỡng dâm nếu bị ép buộc hoặc cưỡng bức.
Về hậu quả
Hậu quả của hành vi loạn luân là những thiệt hại do việc giao cấu giữa người có cùng dòng máu trực hệ; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Những thiệt hại này chủ yếu là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của chính người phạm tội. Ngoài ra, những hành vi loạn luân còn gây ra thiệt hại về tinh thần cho những người thân của người phạm tội, đồng thời gây thiệt hại cho xã hội về thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc.
Tuy nhiên, hậu quả của tội loạn luân không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, cho dù hậu quả như thế nào thì tội phạm cũng đã hoàn thành từ khi hai người nam và người nữ có cùng dòng máu trực hệ thực hiện hành vi giao cấu.
Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, tức là người phạm tội biết rõ người mà mình giao cấu là người có dòng máu trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi giao cấu.
Nếu vô ý mà thực hiện hành vi thì không cấu thành tội loạn luân. Một trong hai người miễn cưỡng hoặc bị ép buộc thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của mình thì người cố ý và mong muốn thực hiện hành vi giao cấu cũng không phạm tội loạn luân mà phạm vào một trong các tội xâm hại tình dục có tính chất loạn luân.
Hình phạt của tội loạn luân
Theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt của tội loạn luân:
“Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Vậy người phạm tội loạn luân có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 01 năm đến năm năm và không có thêm khung hình phạt tăng nặng cho tội này. Trường hợp người phạm tội “có tính chất loạn luân” thì sẽ bị kết tội khác theo Bộ luật hình sự.
Loạn luân không đơn thuần là có quan hệ tình dục với họ hàng. Loạn luân là hành vi giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Hành vi loạn luân là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh và phát triển này. Đây là một tội phạm có tính chất đặc biệt ở chỗ rất khó xác định người phạm tội và người bị hại bởi vì sự giao cấu là hoàn toàn tự nguyện. Cho đến nay, chưa có một tiêu chí nào được đưa ra để xác định đâu là người phạm tội đâu là người bị hại trong một vụ loạn luân. Chính vì thế, mỗi chúng ta phải hiểu kỹ những dấu hiệu được coi là loạn luân, tìm cách phòng tránh cũng như dập tan hành vi này bằng cách khai báo cho cơ quan công an gần nhất để nhận được sự hỗ trợ.