TỘI HIẾP DÂM

Thời gian qua, công an các địa phương xử lý nhiều vụ án về xâm hại tình dục với tính chất tương tự. Tội phạm hiếp dâm ngày càng diễn biến phức tạp, hoạt động với tính chất hết sức táo bạo, sẵn sàng dùng hung khí, thủ đoạn nguy hiểm nhằm làm tê liệt sự chống trả cả nạn nhân để thực hiện tội phạm đến cùng. Trong một số vụ, nạn nhân là trẻ em, thậm chí dưới 13 tuổi. Vậy pháp luật quy định ra sao về tội danh hiếp dâm?

Tội hiếp dâm là gì?

Hiếp dâm là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Đây là một tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.

Tội hiếp dâm xâm phạm sự tự chủ và toàn vẹn tình dục của người bị hiếp dâm và đồng thời vi phạm quyền tự do và an toàn cá nhân của họ. Nạn nhân của tội hiếp dâm thường gặp phải những hậu quả về tâm lý, thể chất và xã hội. Hành vi hiếp dâm không chỉ gây ra sự đau đớn và tổn thương về cảm xúc, mà còn có thể gây hậu quả lâu dài như rối loạn stress sau khi bị hiếp dâm, lo âu, trầm cảm, tự tử hoặc tổn thương tình dục.

Đối với trường hợp nạn nhân là người dưới 16 tuổi, hành vi hiếp dâm không những xâm phạm đến thân thể, danh dự nhân phẩm của người bị hại, mà còn trực tiếp cũng như gián tiếp tác động đến sự phát triển, hoàn thiện cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của nạn nhân. Vì lẽ đó, hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi đã được các nhà làm luật ghi nhận tại một điều khoản riêng, mà không coi là tình tiết tăng nặng của tội hiếp dâm.

Một số tình tiết định tội tội hiếp dâm

Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP quy định các tình tiết định tội với tội hiếp dâm như sau:

– Giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

– Hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

+ Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

+ Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

– Dụng cụ tình dục là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ: dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả…) hoặc những đồ vật khác nhưng được sử dụng cho hoạt động tình dục.

– Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:

+ Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật… dẫn đến không thể chống cự được).

+ Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác… dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).

– Thủ đoạn khác bao gồm các thủ đoạn như:

+ Đầu độc nạn nhân;

+ Cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác;

+ Hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

– Trái với ý muốn của nạn nhân là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.

Chủ thể của tội hiếp dâm có thể là nữ không?

Quy định pháp luật đề cập đến chủ thể của Tội hiếp dâm là “người nào”, tức là không giới hạn là nam giới hay nữ giới. Trường hợp nữ giới dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nam giới để thực hiện hành vi giao cấu hoặc trái với ý muốn của họ. Trên thực tế, với đặc điểm về sức khỏe, thể lực, phụ nữ thường rất khó có thể dùng “vũ lực, đe dọa dùng vũ lực” để thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân là nam giới. Tuy nhiên có thể bằng hành vi dùng “thủ đoạn khác” để giao cấu hoặc quan hệ tình dục trái với ý muốn của nạn nhân, trong trường hợp này, nữ giới vẫn có thể phải chịu trách nhiệm về tội hiếp dâm. Ví dụ như lấy điểm yếu của nạn nhân ra uy hiếp, cho nạn nhân uống thuốc kích dục,…

Hơn nữa, nếu như trước đây quan niệm bản chất của hành vi giao cấu chỉ có nam giới mới thực hiện được thì nay với hành vi khách quan là hành vi quan hệ tình dục khác, nữ giới vẫn có thề thực hiện được. Do đó trong trường hợp này thì hành vi của nữ giới bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ thể là nữ giới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trong trường hợp đồng phạm. Dù không phải là người thực hành thì nữ giới cũng có thể bị coi là phạm tội nếu có hành vi cố ý cùng thực hiện tội hiếp dâm với vai trò là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay