Thương lượng là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005 thì thương lượng giữa các bên là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại, cùng với các hình thức khác như hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án.
Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế, theo đó các bên tự bàn bạc để thống nhất cách thức loại trừ tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của người thứ ba. Phương án giải quyết mà các bên đạt được qua thương lượng được các bên thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, thương lượng chỉ thích hợp giải quyết những tranh chấp giá trị nhỏ, các bên tranh chấp có thiện chí, hiểu biết pháp luật và có nhiều kinh nghiệm tranh tụng trên thương lượng.
Đặc điểm của phương thức thương lượng
- Được thực hiện bởi cơ chế tự giải quyết thông qua việc các bên tranh chấp gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận để giải quyết những bất đồng mà không cần có sự hiện diện của bên thứ ba.
- Quá trình thương lượng giữa các bên không chịu sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết.
- Với phương thức này, việc thực thi kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng.
- Các bên tranh chấp đã quen biết nhau, đã trải qua một quá trình hợp tác kinh doanh, thương mại, đã có quan hệ pháp lý ràng buộc. Trước khi tranh chấp xảy ra có thể các bên đã có một quá trình đàm phán để đạt được thỏa thuận. Tranh chấp là những sự kiện có thể xảy ra mà các bên không mong muốn, do đó việc thương lượng để nối lại quá trình hợp tác là có lợi cho cả hai bên.
- Trường hợp tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng, việc thỏa thuận của các bên phụ thuộc vào các quy định trong hợp đồng và pháp luật có liên quan. Thỏa thuận của các bên chủ yếu liên quan đến quan hệ hợp đồng các bên đã xác lập và phát sinh tranh chấp. Thỏa thuận mà các bên đạt được phải phù hợp với quy định của pháp luật, không được vi phạm điều cấm của pháp luật giải quyết về nội dung tranh chấp đó.
- Các bên tranh chấp sẽ tự thỏa thuận để tìm kiếm giải pháp trên tinh thần tự nguyện, thiện chí, hợp tác.
- Trong trường hợp đạt được thỏa thuận, các bên thường tự nguyện thi hành thỏa thuận đó để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp thương lượng không thành công hoặc thương lượng thành công nhưng hai bên không tự nguyện thi hành, các bên có thể tiếp tục lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp khác phù hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa họ như khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền.