Địa điểm kinh doanh là một trong những đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, chi nhánh và là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Nếu như trước ngày 10/10/2018, doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Thì hiện nay địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đặt ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Điều này đã mở rộng khung pháp lý của nhà nước đối với địa điểm kinh doanh. Thực tế, mục đích của doanh nghiệp khi thực hiện thành lập địa điểm kinh doanh là mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài trụ sở chính. Do đó, việc cho phép thành lập địa điểm kinh doanh ngoài tỉnh/thành phố đặt trụ sở chính của doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thực hiện hoạt động kinh doanh dựa theo nhu cầu của chính mình.
Địa điểm kinh doanh là gì?
Trước hết, địa điểm kinh doanh có thể được hiểu là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể như mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tạo ra doanh thu giúp doanh nghiệp cắt giảm các chi phí vận chuyển, tăng độ phủ của thương hiệu, đồng thời dễ dàng tiếp cận với đối tác mới và đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”.
Mặt khác, doanh nghiệp muốn thành lập địa điểm kinh doanh phải thông báo địa điểm kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và một số văn bản liên quan.
Đặc điểm của địa điểm kinh doanh
Từ khái niệm trên, kết hợp cùng các quy định của pháp luật, có thể thấy địa điểm kinh doanh mang những đặc điểm nổi bật như sau:
- Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh;
- Doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh;
- Địa điểm kinh doanh là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Địa điểm kinh doanh thực hiện các hoạt động kinh doanh đối với các ngành, nghề cụ thể mà doanh nghiệp đã đăng ký.
- Địa điểm kinh doanh không có mã số thuế riêng, phải thực hiện hạch toán thuế phụ thuộc vào công ty theo hình thức kê khai thuế tập chung.
- Tên địa điểm kinh doanh không bắt buộc phải để tên doanh nghiệp.
- Địa điểm kinh doanh không được cùng (không được trùng) là trụ sở chính của doanh nghiệp.
Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh
Hồ sơ thành lập địa điểm đăng ký kinh doanh bao gồm:
- Thông báo lập địa điểm kinh doanh: Theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP thì thông báo lập địa điểm kinh doanh phải có các thông tin sau:
- Mã số doanh nghiệp;
- Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh
- Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
- Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh;
- Thông tin của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục ĐKKD.
Quy trình thực hiện thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, Doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh nơi địa điểm hoạt động.
Hiện nay, việc nộp hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh có thể thực hiện nộp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ sẽ được gửi trực tuyến tới Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh nơi địa điểm hoạt động.
- Trong thời hạn 03 – 05 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh