Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Nhãn hiệu chứng nhận được cấp để chứng nhận sự đáp ứng được với các tiêu chuẩn xác định nhưng không bị hạn chế ở bất kì thành viên nào. Nhãn hiệu chứng nhận có thể được bất cứ người nào sử dụng với điều kiện người đó chứng minh được rằng sản phẩm có liên quan đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định đã được thiết lập. Vậy khi đăng ký nhãn hiệu thì Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gồm những nội dung gì?
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là gì?
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là căn cứ pháp lý để chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận tiến hành các hoạt động cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cũng như quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài ra, Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cũng là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gồm những nội dung gì?
Theo khoản 5 điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
- Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
- Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
- Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Ngoài những nội dung trên, quy chế chứng nhận còn phải làm rõ các vấn đề sau:
- Các thông tin vắn tắt về nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Các điều kiện để được người đăng ký nhãn hiệu cấp phép sử dụng nhãn hiệu và các điều kiện chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu;
- Nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký nhãn hiệu, nộp phí quản lý nhãn hiệu…).
- Quyền của người đăng ký nhãn hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu …).
- Cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Cơ chế giải quyết tranh chấp.
Thẩm quyền ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận xây dựng và ban hành. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận là người đứng tên trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, phải có chức năng, điều kiện kiểm soát, xác định các tiêu chí chứng nhận cho hàng hóa/dịch vụ. Tổ chức chứng nhận phải đảm bảo không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận và có đủ khả năng huy động nguồn nhân lực và các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết để tiến hành đánh giá chất lượng hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận.
Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có thể là:
- Các cơ quan quản lý nhà nước: thường là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận liên quan đến địa danh
- Tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện, chức năng chứng nhận