NGUYÊN TẮC NỘP ĐƠN ĐẦU TIÊN

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên là gì?

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam xuất phát từ quy định về “nguyên tắc ưu tiên” trong Công ước Paris 1983 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên.

Theo quy định tại Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009:

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên áp dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ thể nộp đơn sớm hơn các chủ thể khác đối với cùng đối tượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Đối tượng áp dụng

Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Nhãn hiệu

Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Lưu ý

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn thì cũng sẽ chỉ có 01 văn bằng bảo hộ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn. Trường hợp không thỏa thuận được thì các đối tượng đó đều sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

NGUYÊN TẮC NỘP ĐƠN ĐẦU TIÊN TRONG LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ | Nhu Y Law Firm

Quy định về ngày ưu tiên

Về ngày ưu tiên, Việt Nam đã tham gia một số điều ước quốc tế về sở hữu công nghiệp như Thỏa ước Madrid và Hiệp định TRIPs. Vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định trong trường hợp đã nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc các quốc gia là thành viên của Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước PCT về bảo hộ sáng chế thì người nộp đơn đầu tiên có quyền được hưởng quyền ưu tiên cho đối tượng đã được nộp trong đơn đầu tiên trong thời hạn nhất định.

Có thể hiểu, trong trường hợp một chủ thể đã nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc tại các quốc gia là thành viên của Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước PCT về bảo hộ sáng chế thì người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên cho đối tượng đã được nộp trong đơn đầu tiên trong thời hạn nhất định (theo công ước Paris, thời hạn hưởng quyền ưu tiên đối với sáng chế là 12 tháng tính từ ngày nộp đơn đầu tiên và 6 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu).

Ví dụ: A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu X tại Pháp vào 1/1/2019. (Pháp và Việt Nam là thành viên Công ước Paris)

B nộp đơn đăng ký nhãn hiệu X y hệt tại Việt Nam vào 14/3/2019. Đến 20/3/2019, A nộp đơn tại Việt Nam.

Như vậy, trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng cho A, vì A nộp đơn tại Việt Nam muộn hơn nhưng có ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn của B.

Vai trò của nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Trong thực tế chúng ta có thể thường xuyên bắt gặp các ý tưởng vô tình bị trùng lặp hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau. Sự giống nhau này ít khi xảy ra với sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp nhưng rất phổ biến với nhãn hiệu. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên sẽ đóng vai trò:

– Đảm bảo cho việc một đối tượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ được cấp cho một người duy nhất;

– Không cho phép chậm trễ trong việc nộp đơn nếu muốn được cấp văn bằng bởi nó được coi như một công cụ tạo nên sức bật thúc đẩy việc nộp đơn được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả;

– Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo;

– Nâng cao ý thức của chủ thể sở hữu công nghiệp trong việc nộp đơn sớm;

– Giúp cơ quan Nhà nước dễ dàng xác định chủ thể sáng tạo nào được cấp văn bằng và cũng ít nảy sinh tranh chấp hơn.

Nguyên tắc này không cho phép sự chậm trễ trong việc nộp đơn đăng ký nếu chủ đơn mong muốn được cấp văn bằng bảo hộ, từ đó nguyên tắc này cũng giúp thúc đẩy việc nộp đơn được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Qua đó giúp nâng cao ý thức của chủ thể kinh doanh trong việc nắm giữ các đối tượng sở hữu công nghiệp để bảo vệ tốt hơn quyền của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay