Không hạnh phúc từ rất nhiều lí do, không cùng quan điểm, không cùng sở thích, hết tình cảm hay là do ngoại tình. Vậy những lý do nào dẫn đến việc ly hôn của các cặp vợ chồng?
Ly hôn là gì?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Có thể hiểu, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định. Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
Lý do ly hôn hiện nay
Các lý do ly hôn có thể được hiểu là nguyên nhân để xảy ra các xung đột, mâu thuẫn không thể hòa giải nội bộ, cuộc sống hôn nhân của vợ, chồng không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được. Trên thực tế, lý do ly hôn thường gặp như sau:
– Nguyên nhân do kinh tế của gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn về nguồn tài chính trong gia đình, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái.
– Nguyên nhân do tư tưởng lạc hậu; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do nhận thức về xã hội, pháp luật chưa đầy đủ, thậm chí nhiều trường hợp người chồng nghiện ngập ma túy, cờ bạc, rượu chè … dẫn đến người vợ không chịu được phải ly hôn.
– Nguyên nhân do có những tranh chấp nhất định về con chung, tài sản chung.
– Nguyên nhân do các bên phát sinh mâu thuẫn trầm trọng, cuộc hôn nhân thực sự không thể kéo dài, không tìm thấy tiếng nói chung trong việc hòa giải các vấn đề đã nêu trong đơn khởi kiện thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử, đây có thể coi là bước cuối cùng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án.
– Nguyên nhân phần lớn dẫn đến việc ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ có thể xác định là do việc còn thiếu hụt nhiều kỹ năng sống trong quan hệ hôn nhân, chưa đủ trải nghiệm và hiểu biết cần có. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, họ còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về tâm sinh lý, về nguồn tài chính và cả sức khỏe. Bên cạnh đó còn có những trường hợp còn quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng hoặc vợ của mình, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân và dẫn đến việc ly hôn. Ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bản thân sau này.
Các lý do ly hôn đa dạng, nhưng không phải lý do nào thẩm phán cũng đồng ý cho ly hôn. Phải tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hôn nhân, nếu vẫn có thể hàn gắn được thì thẩm phán sẽ tiến hành khuyên nhủ và để vợ chồng tự hòa giải với nhau. Việc nắm rõ các lý do ly hôn sẽ giúp cho vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân có thể giảm thiểu, hạn chế tối đa việc hình thành nên lý do đó. Bên cạnh ấy, góp phần xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc, xã hội không ngừng phát triển văn minh.
Ai có quyền đề nghị ly hôn?
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có thẩm quyền yêu cầu giải quyết ly hôn là:
– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
– Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, người có quyền yêu cầu ly hôn là vợ, chồng hoặc người thứ ba liên quan khi mà: Một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Tuy nhiên, nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được yêu cầu ly hôn.