Ở nước ta, vấn đề người đồng giới là một vấn đề mang tính khá nhạy cảm, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát ở việc có những tư tưởng khác nhau về chính trị, văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm sống hay về chuẩn mực xã hội.
Người đồng giới
Khái niệm
Khái niệm về người đồng giới hiện nay chưa được pháp luật quy định. Trên thực tế, thuật ngữ này xuất hiện khi những người có cùng giới tính bị hấp dẫn về mặt tình yêu hay quan hệ tình dục lẫn nhau trong hoàn cảnh nào đó.
Bao gồm những đối tượng nào?
– Lesbian – Đồng tính luyến ái nữ là khái niệm dùng để chỉ những nữ giới có xu hướng bị hấp dẫn bởi phái nữ dù là trên phương diện tình dục hoặc tình cảm.
– Gay – Đồng tính luyến ái nam: là khái niệm diễn tả xu hướng tình dục hoặc tình yêu giữa hai người nam, nam giới đồng tính luyến ái sẽ bị thu hút về mặt tâm hồn và thể xác bởi người cùng giới.
– Bisexual – Song tính luyến ái- Song tính luyến ái hay còn gọi là lưỡng tính, đây là khái niệm chỉ những người bị hấp dẫn về mặt thể xác và tâm hồn ở cả hai giới (nam và nữ). Người Bisexual sẽ khá là khó khăn trong việc mình thích nam giới hay nữ giới hơn vì điều đó phụ thuộc vào trái tim và tình cảm của họ.
– Transgender – Người chuyển giới: Người chuyển giới là những đối tượng có cơ thể về mặt vật lý là của một giới tính này, nhưng lại cảm thấy rằng họ thuộc về giới tính kia, sau đó sẽ có những can thiệp về mặt hình thức hoặc y khoa để về đúng với giới tính mong muốn. Những người chuyển giới thường được xếp vào nhóm giới tính chung với lesbian và gay.
Kết hôn đồng giới là gì?
Hiện nay pháp luật không có quy định về khái niệm hôn nhân đồng giới, thuật ngữ này xuất hiện khi có những người ủng hộ, phản đối cộng đồng LGBT về quan hệ hôn nhân. Kết hôn đồng giới là một thuật ngữ dùng để chỉ một cuộc hôn nhân giữa hai người cùng giới tính. Tức là giữa hai người giống nhau về giới tính sinh học (nam kết hôn với nam, hoặc nữ kết hôn với nữ). Đồng giới dựa trên sự đồng tính, cũng là thuật ngữ mô tả “Cảm giác về bản dạng của một người dựa trên những điểm hấp dẫn, những hành vi liên quan, và sự tham gia vào một cộng đồng những người khác có chung những điểm hấp dẫn đó”.
Việt Nam có công nhận kết hôn đồng giới?
Trong những năm qua, đi cùng với xu thế hội nhập quốc tế về quyền con người đã phần nào tác động không nhỏ tới suy nghĩ của nhiều người dân tại Việt Nam. Điều đó được thể hiện một cách khá rõ ràng thông qua pháp luật.
Về quyền kết hôn, Việt Nam chỉ ghi nhận một hình thức kết hôn đầy đủ giữa hai người khác giới tính thông qua khoản 1, khoản 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Tại khoản 2 Điều 8 Luật này quy định:
“Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Nếu như tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thì trải qua hơn một thập kỷ, hôn nhân giữa những người có cùng giới tính đã không bị cấm, đồng nghĩa với việc không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc tiến bộ này cũng chỉ dừng lại ở việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, theo đó cuộc hôn nhân của họ sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu như có những tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân ấy. Nếu trường hợp hai bên kết hôn nhưng vi phạm những điều cấm của luật thì vẫn bị coi là trái pháp luật.
Từ đó có thể thấy, kết hôn đồng giới không được công nhận tại Việt Nam, tuy nhiên xét về mặt tiến bộ thì đã có những bước phát triển mới, có thể nhìn xa hơn liệu trong một tương lai gần kết hôn đồng giới sẽ được công nhận?