Khi xét xử, tiếng nói từ phía người dân, từ phía xã hội rất quan trọng, đây là tình tiết dẫn tới các phán xét “thấu tình, đạt lý” và những người góp phần mang lại tiếng nói đó chính là các Hội thẩm nhân dân được đề cử. Sự hiện diện của Hội thẩm nhân dân trong xét xử và kết quả hoạt động của hội thẩm lại càng thêm khẳng định rằng, nhân dân luôn phải có tiếng nói của mình trong hoạt động tư pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Hội thẩm nhân dân là ai?
Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Hội thẩm nhân dân là đại diện cho nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án, góp phần bảo đảm việc xét xử đúng đường lối, chính sách và pháp luật, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các vụ án khác theo quy định của pháp luật.
Hội thẩm nhân dân là người trực tiếp nêu ra một số quan điểm, lẽ sống, mang tính chất giáo dục, truyền tải những thông điệp cũng như khuyên ngăn những đương sự không được đi vào con đường phạm pháp, trái pháp luật.
Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
Tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân
Theo quy định của Điều 85 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014: Hội thẩm nhân dân gồm những người có đủ các điều kiện sau:
– Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
– Có kiến thức pháp luật.
– Có hiểu biết xã hội.
– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hội thẩm nhân dân thông thường là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành tỉnh. Tòa án xét xử ở lĩnh vực nào sẽ mời hội thẩm nhân dân có kinh nghiệm về lĩnh vực đó.
Nhiệm vụ của Hội thẩm Nhân dân
Căn cứ Điều 49 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tuân thủ pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân được quy định như sau:
“Điều 49. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân
Khi được Chánh án Tòa án phân công, Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa.
2. Đề nghị Chánh án Tòa án, Thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền.
3. Tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự.
4. Tiến hành các hoạt động tố tụng và ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.”
Như vậy, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do. Trong 01 năm công tác mà Hội thẩm không được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án cho biết lý do.