HIỂU VỀ HỢP ĐỒNG GIẢ CÁCH

Một trường hợp rất phổ biến hiện nay, có dấu hiệu của hợp đồng giả cách như đi vay nóng với lãi suất cao ngoài xã hội nhưng trên hợp đồng không thể hiện mức lãi suất. Những nạn nhân “sập bẫy” thường đang trong tình trạng cần tiền gấp để đầu tư kinh doanh, chữa bệnh…

Hợp đồng giả cách là gì?

Nghiên cứu các quy định pháp luật, hiện Pháp luật Việt Nam không có khái niệm về “hợp đồng giả cách”, do đó  không có bất kỳ quy định nào dành riêng cho hợp đồng giả cách. Tuy nhiên, bản chất của hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác. Hợp đồng giả cách vẫn được điều chỉnh bởi những quy định điều chỉnh giao dịch dân sự nói chung.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể cho hợp đồng giả cách. Tuy nhiên căn cứ vào Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo như sau:

Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Ví dụ: Trong quan hệ vay mượn tài sản, để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay yêu cầu bên vay nợ phải sang tên bất động sản của mình cho bên cho vay, nếu đến thời điểm trả nợ mà bên đi vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền định đoạt bất động sản đó để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.

Như vậy, “Hợp đồng giả cách” là hợp đồng giả tạo, không phải là ý chí thực của hai bên, được thiết lập trên cơ sở một quan hệ dân sự khác trước đó và nhằm che giấu một giao dịch khác. Hợp đồng giả cách không có giá trị pháp lý, không có hiệu lực pháp luật, không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên do giả tạo.

Hậu quả pháp lý của hợp đồng giả cách

Hậu quả pháp lý của hợp đồng giả cách, theo Điều 131 BLDS 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận, trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó; Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trên thực tế, để chứng minh có sự giả tạo hay không là rất khó khăn. Đầu tiên, người vay cần có chứng cứ của việc vay tài sản như Hợp đồng vay tài sản, giấy vay nợ hay bản ghi âm, ghi hình có nội dung của việc các bên thỏa thuận vay tài sản. Tuy nhiên, không phải người vay nào cũng có thể chuẩn bị được chứng cứ này, bởi những đối tượng cho vay thường sẽ nắm chắc các quy định pháp luật về giao dịch dân sự, đã “lách luật” một cách tinh vi. Lợi dụng kẽ hở pháp luật quy định không bắt buộc Hợp đồng vay phải bằng văn bản hoặc văn bản có công chứng mà chỉ cần thỏa thuận miệng, nên những đối tượng cho vay này thông thường chỉ ghi một tờ giấy ghi nợ đối với người vay và yêu cầu người đi vay ký vào Hợp đồng chuyển nhượng hoặc Hợp đồng bán tài sản nhằm đảm bảo cho khoản vay đó và sau đó chỉ đưa bản Hợp đồng chuyển nhượng hay Hợp đồng bán tài sản đó cho người vay, chứ không để người vay cầm giấy tờ vay. Như vậy, với trường hợp như trên, thì người vay tài sản rất khó có chứng cứ để làm bằng chứng cho việc vay tài sản này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay