Cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương bao gồm: cơ sở kinh doanh các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo. Trong đó, cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo là mô hình khá phổ biến và chiếm tỉ trọng cao.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật an toàn thực phẩm 2010
- Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
- Thông tư số 43/2018/TT-BCT quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của bộ công thương.
- Theo Thông tư số 279/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
2. Thẩm quyền
Thẩm quyền được phân theo công suất thiết kế. Cụ thể như sau
2.1. Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đối với: Bánh kẹo: Từ 20 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
2.2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp cấp Giấy chứng nhận hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công, phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp Giấy chứng nhận đối với: Cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế nhỏ hơn
3. Phí, lệ phí
- Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: 500.000 đồng/lần/cơ sở
- Đối với cơ sở sản xuất khác được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 2.500.000 đồng/lần/cơ sở
4. Xử phạt vi phạm đối với các cơ sở không tuân thủ quy định về cơ sở đủ điều kiện ATVSTP
Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã quy định rõ các hành vi vi phạm cũng như chế tài xử lý. Cụ thể, 1 số hành vi vi phạm của cơ sở sản xuất bánh kẹo có thể dễ dàng mắc phải như sau:
- Hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất vượt quá giới hạn cho phép hoặc không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng…..\
5. Trình tự, thủ tục
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thẩm định thực tế tại cơ sở và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thủ tục, quy trình cấp Giấy chứng nhận như sau:
Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Thời hạn bổ sung hồ sơ là 30 ngày, quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị.
Bước 2: Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp trên ủy quyền thẩm định thực tế tại cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền. Sau khi thẩm định, cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải gửi Biên bản thẩm định về cho cơ quan thẩm quyền cấp trên để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận.
Bước 3: Nội dung thẩm định thực tế tại cơ sở
Đoàn thẩm định kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm quyền với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở; Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định.
Việc thẩm định phải được lập thành biên bản. Kết quả thẩm định phải ghi rõ “Đạt” hoặc “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện”
Biên bản thẩm định tại cơ sở được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, Đoàn thẩm định giữ 01 bản và chủ cơ sở giữ 01 bản.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở theo Mẫu số 05a (đối với cơ sở sản xuất) .
6. Hồ sơ
Trường hợp đề nghị cấp lần đầu, hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị theo Mẫu
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Mẫu số 02a (đối với cơ sở sản xuất)
– Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.
– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm hoặc Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm .
Văn phòng Luật sư Kết Nối là tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi thực hiện trọn gói dịch vụ xin giấy phép liên quan từ việc thành lập doanh nghiệp cho đến khi sản phẩm được lưu hành hợp pháp trên thị trường trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo.
>>Xem thêm:
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm
- Quy trình xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà hàng ăn uống