Mô hình công ty mẹ – công ty con, tuy rất phổ biến ở nước ngoài nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vậy công ty mẹ, công ty con là gì?
Định nghĩa
Công ty mẹ và công ty con đều là những cụm từ dùng để chỉ rõ mối quan hệ giữa những công ty có sự liên kết mật thiết với nhau về những yếu tố như là số vốn, quyền quyết định được thực hiện trong công ty.
Công ty mẹ
Công ty mẹ là một công ty sở hữu một phần chính hoặc toàn bộ số cổ phần của một công ty khác để có thể kiểm soát việc điều hành và các hoạt động của công ty này (công ty con) bằng việc gây ảnh hưởng hoặc bầu ra Hội đồng quản trị. Khái niệm này thường đề cập đến một công ty mà tự nó không sản xuất hàng hóa hay dịch vụ, mà mục đích của nó chỉ để sở hữu cổ phiếu của các công ty khác. Công ty mẹ cho phép giảm rủi ro cho chủ, người sở hữu.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020 thì một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
– Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
– Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Công ty con
căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 của Điều 195 trong Luật Doanh nghiệp 2020, đã chỉ rõ định nghĩa chi tiết công ty con là gì:
- Công ty con là công ty không được phép đầu tư mua cổ phần hay góp vốn vào công ty mẹ;
- Những công ty con trong cùng một công ty mẹ không được phép cùng góp số vốn hay mua cổ phần nhằm mục đích sở hữu chéo lẫn nhau;
- Những công ty con mà có cùng công ty mẹ (điều kiện là công ty mẹ phải sở hữu ít nhất là 65% số vốn nhà nước) thì không được đồng thời cùng nhau góp vốn hay mua cổ phần của một doanh nghiệp khác hay tự ý thành lập công ty mới.
Có thể hiểu đơn giản rằng, những công ty con là những công ty được một công ty khác hay còn gọi là công ty mẹ thực hiện góp vốn trên mức 50% số vốn điều lệ công ty.
Ưu điểm của mô hình Công ty mẹ – Công ty con
– Là một tổ chức kinh tế năng động: từ tổ chức ban đầu, liên kết có thể mở rộng ra với quy mô đa sở hữu ngày càng lớn, với sự hoạt động đa ngành, đa phương, thậm chí đa quốc gia.
– Địa vị pháp lý của công ty mẹ cũng như công ty con có tính độc lập, do đó các công ty con phát huy được sáng tạo, quyền tự chủ, tự do định đoạt để giải quyết những vấn đề nhanh hơn ở công ty.
– Nhờ có sức mạnh của Tập đoàn, của công ty mẹ mà vị thế của công ty con thường nâng cao hơn khi tham gia các quan hệ kinh tế.
– Tạo nên sức mạnh hợp nhất nguồn lực và cơ cấu tài chính: Công ty mẹ công ty con giúp cho việc nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sự hoà nhập giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh lấy việc phát triển khoa học công nghệ mới làm cơ sở liên kết. Các công ty con là đơn vị sản xuất kinh doanh còn nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu các công nghệ mới của công ty mẹ để biến thành lực lượng sản xuất, chuyển nhanh các sản phẩm đó ra thị trường. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty con.
– Mô hình này cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí và tái bố trí lại cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp bằng việc mua hoặc bán cổ phần của mình trong các công ty con.
– Chiếm lĩnh, mở rộng và củng cố thị trường; thu được nhiều lợi nhuận hơn.
– Với mô hình này, các doanh nghiệp có thể thực hiện được sự liên kết với các doanh nghiệp khác làm tăng khả năng canh tranh, tăng độc quyền của thiểu số phân tán sự rủi ro, cùng phối hợp hay chia sẻ các nguồn lực, tận dụng các thế mạnh của các cổ đông.
– Với mô hình này, công ty mẹ chắc chắn sẽ quản lý các công ty con một cách thường xuyên, sâu sát hơn. Thông qua người đại diện của mình tại các công ty con, công ty mẹ có thể nắm bắt chính xác, kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh tại đây. Bằng sự chỉ đạo của tập thể đứng đằng sau người đại diện công ty mẹ tại công ty con, các đại diện công ty con có nhiều khả năng ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của công ty con. Đó là điều không thể có trong các tổng công ty hiện nay.
– Mô hình Công ty mẹ – Công ty con cho phép một doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh bằng cách thành lập công ty con mới trong điều kiện vừa có thể kiểm soát được doanh nghiệp mới thành lập một cách hữu hiệu thông qua cổ phần khống chế, vừa không bị các nhà đầu tư chi phối đối với doanh nghiệp cũ.
– Mô hình Công ty mẹ – Công ty con sẽ phát huy được tính tự chủ sáng tạo của từng thành viên trong tập đoàn từ công ty mẹ đến các công ty con, hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty trong tập đoàn, do đó tạo ra sức mạnh của tập đoàn.
– Do có khả năng tập trung vốn lớn tạo điều kiện để đáp ứng nhanh thị trường trong nước cũng như quốc tế, tạo cơ hội cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế trong khu vực và thế giới
Hạn chế của mô hình Công ty mẹ – Công ty con
Mô hình tổ hợp Công ty mẹ – Công ty con có một số ưu điểm như trên. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này cũng có một số hạn chế. Cụ thể:
– Tập đoàn có thể trở thành nhà đầu tư độc quyền, dễ gây nên hiện tượng lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh chung.
– Do tính độc lập, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên các công ty con cạnh tranh lẫn nhau gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả tập đoàn.
– Việc quan tâm hơn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đến nghiêm cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật có thể dẫn tới nguy cơ mất việc làm của người lao động.
– Công ty con có thể bị phụ thuộc vào công ty mẹ, do đó khó theo đuổi mục đích khác của tập đoàn
– Do tập trung vốn và nguồn lực lớn nên dễ dẫn tới tình trạng độc quyền kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Các công ty mẹ nắm giữ phần lớn cổ phần của các công ty con nên nếu gặp sự cố sẽ kéo theo sự phá sản tại các công ty con đó, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.