CÔNG TY CÓ ĐƯỢC GIỮ LƯƠNG NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG?

Công ty có được giữ lương của người lao động không?

Tiền lương được hiểu là số tiền được trả dựa trên sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động trả cho người lao động để người lao động thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo và quản lý của người sử dụng lao động.

Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động, tiền lương phải được người sử dụng lao động trả đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Khoản 2 Điều 17 Bộ luật này nghiêm cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Người lao động có quyền tự do về việc làm nên họ có quyền nghỉ làm nếu đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Việc công ty yêu cầu giữ lương để đảm bảo nhân viên không “nhảy” việc đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do việc làm của người lao động.

Như vậy, có thể kết luận rằng khi đến kì trả lương, công ty không được giữ lương của người lao động mà phải có trách nhiệm phải trả đầy đủ tiền cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế đã có rất nhiều công ty đưa ra cam kết trong hợp đồng về việc người lao động sẽ phải trích một khoản tiền lương để đảm bảo cho việc người lao động đó không nghỉ việc trước thời hạn đã ký kết với người sử dụng lao động.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, người lao động hoàn toàn có quyền tự do về việc làm nếu việc làm đó được pháp luật cho phép, nên họ có quyền nghỉ làm nếu đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Việc công ty đưa ra yêu cầu giữ lương để đảm bảo nhân viên không nghỉ việc đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do việc làm của người lao động.

Công ty giữ lương của người lao động sẽ bị phạt thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP, việc giữ lương của nhân viên có thể khiến doanh nghiệp bị xử phạt về một trong các lỗi sau:

Thứ nhất, lỗi trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Mức phạt đối với lỗi không trả đủ lương cho người lao động được xác định phụ thuộc vào số người lao động bị giữ lương. Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:

  • Phạt từ 05 – 10 triệu đồng trong trường hợp giữ lương của 01 – 10 người lao động.
  • Phạt từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp giữ lương của 11 – 50 người lao động.
  • Phạt từ 20 – 30 triệu đồng trong trường hợp giữ lương của 51 – 100 người lao động.
  • Phạt từ 30 – 40 triệu đồng trong trường hợp giữ lương của 101 – 300 người lao động.
  • Phạt từ 40 – 50 triệu đồng trong trường hợp giữ lương của 301 người lao động trở lên.

Thứ hai, lỗi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động thì căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về mức phạt với người sử dụng lao động là từ 20 đến 25 triệu đồng.

Ngoài mức phạt tiền nêu trên, người sử dụng lao động còn có nghĩa vụ buộc phải trả lại số tiền lương đã giữ của người lao động cho người lao động đó, đồng thời còn phải trả thêm một khoản tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước đã công bố tại thời điểm công ty bị xử phạt về việc giữ lương của người lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay