CÔNG CHỨC NGOẠI TÌNH

Công chức là ai?

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về công chức theo đó: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và thuộc các cơ quan, đơn vị được nêu cụ thể tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP gồm:

– Trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Trong Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước;

– Trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập;

– Trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện;

– Trong hệ thống Tòa án nhân dân, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân;

– Trong cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, tỉnh, huyện;

– Trong cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Các chức danh công chức điển hình như: Kiểm sát viên, điều tra viên, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán, Chánh án, Phó chánh án, thư ký tòa các cấp, Chủ tịch UBND Huyện,…

Ngoại tình là gì?

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì hình thức một vợ một chồng là hợp pháp, vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Tuy nhiên hiện nay có một số người vợ/ chồng dù đã kết hôn nhưng có hành vi quan hệ lén lút với người khác, thậm chí là chung sống như vợ chồng với một người khác thì đây được xem là hành vi ngoại tình.

Ngoại tình là từ ngữ dùng để đề cập đến việc một người đã kết hôn có hành vi tình dục với người khác không phải là người vợ/ chồng hợp pháp của họ.

Ngoại tình được coi là việc một người chung sống như vợ chồng với người khác trong khi bản thân vẫn đang có mối quan hệ vợ, chồng hợp pháp với người khác. Đây là hành vi bị cấm với tất cả mọi người trong đó có công chức. (Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC).

Như vậy, có thể hiểu ngoại tình là hành vi vi phạm lòng tin và sự chung thủy trong một mối quan hệ ràng buộc, thường là hôn nhân, khi một người có quan hệ tình cảm với người khác ngoài người bạn đời của họ.

Công chức ngoại tình bị xử lý thế nào?

Khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008  nêu rõ, nghĩa vụ của công chức bao gồm: Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, việc đang có vợ, đang có chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống với người mình biết rõ là đang có chồng, đang có vợ (sau đây gọi tắt là ngoại tình) là hành vi vi phạm điều cấm của luật.

Do đó, khi vi phạm, tùy vào mức độ, tính chất vi phạm công chức có thể sẽ bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, nếu vi phạm các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình (cụ thể là ngoại tình), công chức có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP bằng các hình thức:

  • Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.
  • Cảnh cáo: Đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Hạ bậc lương: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
  • Giáng chức: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
  • Cách chức: Công chức đã bị giáng chức mà tái phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc, người vi phạm cũng tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
  • Buộc thôi việc: Đã bị cách chức hoặc hạ bậc lương mà tái phạm; vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, công chức nếu ngoại tình có thể bị kỷ luật nặng nhất là buộc thôi việc.

Ngoài bị kỷ luật, cũng như các đối tượng khác, nếu ngoại tình, công chức sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP với mức tiền từ 03 – 05 triệu đồng:

  • Đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
  • Chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ.

Không chỉ kỷ luật, phạt hành chính mà công chức còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.

Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 01 năm đối với trường hợp:

  • Khiến một trong hai bên hoặc cả hai bên ly hôn.
  • Đã bị xử phạt hành chính nhưng còn tiếp tục vi phạm.

Bị phạt tù từ 06 tháng – 03 năm đối với trường hợp:

  • Việc ngoại tình khiến vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
  • Tòa án đã ra quyết định có hiệu lực pháp luật về việc buộc chấm dứt chung sống với nhau như vợ chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Nếu là Đảng viên, công chức mà vi phạm quy định về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng hay chính là ngoại tình sẽ bị khai trừ khỏi Đảng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay