CƠ CHẾ BẢO HỘ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG

Mỗi loại nhãn hiệu đều chứa đựng những đặc trưng nhất định. Khác với nhãn hiệu thông thường khi dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác nhau, nhãn hiệu nổi tiếng lại mang những đặc điểm riêng biệt.

Nhãn hiệu

Tại Việt Nam, định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng lần đầu tiên được quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 2 của Nghị định 06/2001/NĐ-CP:

“Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi”.

Khi  Luật sở hữu trí tuệ 2005 ra đời và có hiệu lực pháp luật, trải qua 03 lần sửa đổi (sửa đổi năm 2009, 2019, 2022) đã đưa ra định nghĩa về Nhãn hiệu như sau: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

Khi Luật sở hữu trí tuệ 2005 ra đời, trải qua nhiều sửa đổi, đến năm 2022 thì nhãn hiệu nổi tiếng được định nghĩa là:

“Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam” (khoản 20 Điều 4).

Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các tiêu chí được xem xét khi tiến hành thủ tục công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng bao gồm:

– Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua các hoạt động chủ yếu như: Mua bán, sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu; việc tiếp cận với nhãn hiệu qua hoạt động quảng cáo của chủ nhãn hiệu;

– Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

– Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

– Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

– Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

– Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

– Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

– Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Nếu nói nhãn hiệu hàng hóa là tài sản trí tuệ có giá trị thì nhãn hiệu nổi tiếng được xem là tài sản quý giá nhất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và phát triển thị trường của cá nhân, tổ chức. Chính vì lý do đó, cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nói chung và cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng luôn được các nhà làm luật quan tâm, chú trọng.

Để được bảo hộ với cơ chế của nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu cần phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại điều 75 Luật sở hữu trí tuệ.

Cơ chế bảo hộ thụ động

Nhãn hiệu nổi tiếng không cần phải thực hiện   thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được xác lập cơ chế bảo hộ tự động khi đáp ứng tiêu chí đã nêu. Đối với loại nhãn hiệu này, chủ sở hữu cần có căn cứ chứng minh quyền sở hữu đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT thì được đánh giá nhãn hiệu là nổi tiếng.

Cơ chế xác lập quyền

Cơ chế xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng ở nước ta không được quản lý hệ thống mà chỉ được ghi nhận trong vụ việc đơn lẻ. Theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tế sử dụng liên tục, rộng rãi nhãn hiệu. Điều này cũng phù hợp Công ước Paris 1883 và Hiệp định TRIPs 1994.

Cơ chế trong việc bảo hộ hành vi xâm phạm

Nếu như đối với nhãn hiệu thông thường, cơ chế bảo hộ trong việc bảo hộ hành vi xâm phạm cho những sản phẩm có dấu hiệu trùng hoặc dấu hiệu tương tự không được bảo hộ hành vi xâm phạm đối với sản phẩm khác loại thì ở nhãn hiệu nổi tiếng phạm vi bảo hộ có tính rộng rãi hơn. Việc bảo hộ hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ được bảo hộ đối với sản phẩm trùng hoặc tương tự mà còn được bảo hộ mở rộng hơn đối với hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan.

 Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng không có thời điểm bắt đầu cụ thể. Nó được xác định từ khi nhãn hiệu đáp ứng được các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo luật định đến khi nhãn hiệu này không còn đáp ứng được các tiêu chí đó nữa. Khi không còn là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của pháp luật và chỉ được bảo hộ như nhãn hiệu thông thường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay