Đăng ký kết hôn là gì?
Có thể thấy rằng đăng ký kết hôn là một trong hai yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên một mối quan hệ hôn nhân hợp pháp. Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn phải được tiến hành đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thông qua những thủ tục hành chính. Để hôn nhân có giá trị pháp lý trên thực tế thì buộc người kết hôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn.
Bên cạnh đó, nếu nam, nữ thuộc trường hợp có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không thực hiện việc đăng ký kết hôn thì cũng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Ly hôn là gì?
Trong quan hệ hôn nhân, khi tình cảm giữa vợ và chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, đời sống chung không thể kéo dài, thường xuyên có những xung đột, mâu thuẫn sâu sắc không thể hàn gắn thì một bên vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng sẽ có mong muốn chấm dứt sự chung sống, quan hệ cùng nhau. Tuy nhiên, hôn nhân một mặt là tự nguyện song được thể hiện bằng thủ tục pháp lý là kết hôn, do đó để chấm dứt quan hệ này cũng phải dựa trên một thủ tục pháp lý. Ly hôn là một khái niệm đã được định nghĩa trong nhiều văn bản.
Theo Từ điển Từ và ngữ Việt Nam, ly hôn được hiểu là việc “vợ chồng bỏ nhau”. Khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 giải thích về ly hôn như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.” Vấn đề xét xử ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong việc này, Tòa án đóng vai trò là một cơ quan làm việc thụ động, hoàn toàn do ý chí của đương sự trong quan hệ hôn nhân và gia đình quyết định . Bên cạnh đó, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án phần nào đã thể hiện được tính quyền lực của Nhà nước, được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước.
Chưa ly hôn có đăng ký kết hôn được không?
Căn cứ theo pháp luật về hôn nhân và gia đình, một trong những điều kiện để nam, nữ thực hiện được việc kết hôn chính là khi kết hôn không thuộc một trong các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình, cụ thể:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Theo đó, căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nếu đã thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trở thành vợ chồng hợp pháp của nhau thì sẽ không thể kết hôn với bất kỳ nam, nữ nào khác. Việc kết hôn khi ấy chỉ có thể được thực hiện khi đã thực hiện việc ly hôn với người vợ/chồng hợp pháp của mình tại Tòa án. Nếu cố tình thực hiện việc đăng ký kết hôn khi chưa ly hôn thì sẽ phải chịu chế tài do pháp luật quy định.
Việc đưa ra quy định như vậy là phù hợp với sự phát triển lành mạnh của đời sống xã hội. Đặc biệt là gìn giữ hạnh phúc gia đình, xây dựng tổ ấm trọn vẹn. Tránh chồng chéo quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau khi thực hiện việc kết hôn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đảm bảo nguyên tắc chế độ một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, góp phần phát huy những giá trị truyền thống đạo đức của Việt Nam. Như vậy, chưa ly hôn thì sẽ không thể đăng ký kết hôn.