Việc phân loại nhãn hiệu có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Phân loại nhãn hiệu cho phép xác định đặc trưng của một loại nhãn hiệu. Đặc biệt là ảnh hưởng tới việc xác định chế độ pháp lý đối với từng loại nhãn hiệu. Vậy có những loại nhãn hiệu nào?
Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác nhau. (Theo khoản 19, Điều 4Luật Sở hữu trí tuệ)
Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ. Hoặc là sự kết hợp của các yếu tố được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ
Hiện nay, có rất nhiều cách để phân loại nhãn hiệu. Ví dụ như: dựa vào yếu tố cấu thành để chia thành: nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình (logo), nhãn hiệu kết hợp chữ và hình. Hoặc chia theo mục đích sử dụng sẽ phân làm: nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ. Trong đó:
- Nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng cho sản phẩm hàng hóa. Ví dụ: PNJ, Doji, Thần Tài Phú Quý… là các nhãn hiệu được phân loại vào nhóm nhãn hiệu hàng hóa trong: Đồ trang sức; vàng thô hoặc vàng dát mỏng…
- Nhãn hiệu dùng trong ngành dịch vụ, thường được gắn trên các bảng hiệu dịch vụ để khách hàng có thể dễ dàng nhận biết. Ví dụ: Ngọc Dung, Kangnam, Trang Beauty… là các nhãn hiệu được phân loại trong ngành dịch vụ làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện.
Phân loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ
Hiện nay, có rất nhiều cách để phân loại nhãn hiệu. Dựa trên cơ sở thông thường dùng cho hàng hóa, dịch vụ thì có thể phân loại nhãn hiệu thành 5 loại cụ thể. Trong đó bao gồm các nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu có chỉ dẫn địa lý.
Nhãn hiệu nổi tiếng
Nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng có nhiều điểm khác biệt so với nhãn hiệu thông thường. Và sự khác biệt đó được thể hiện thông qua những đặc trưng cơ bản của nó:
– Là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Đặc biệt khi nhắc đến hàng hóa, dịch vụ nào đó thì người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến nhãn hiệu đó.
– Là nhãn hiệu có căn cứ xác lập quyền, có tiêu chí đánh giá, có cơ chế bảo hộ riêng. Nó khác hoàn toàn so với nhãn hiệu thông thường.
– Là kết tinh của nhiều yếu tố trong suốt một quá trình lâu dài. Những yếu tố đó có thể là uy tín và chất lượng sản phẩm
– Là một ưu thế kinh doanh của chủ sở hữu nhãn hiệu. Vì khi được khách hàng biết đến một cách rộng rãi, được khách hàng tin tưởng thì công ty đã có một lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với những nhãn hiệu cùng loại.
– Là một tài sản vô hình có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp.
Nhãn hiệu tập thể
Theo Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa dịch vụ của tổ chức cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Nhãn hiệu tập thể sẽ giúp khách hàng có thể phân biệt nguồn gốc sản phẩm. Khi một nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ thương hiệu dưới dạng nhãn hiệu tập thể sẽ giúp cho người dân tại địa phương có làng nghề truyền thống hay những đặc sản, nông sản có tiếng có thể phát triển sản xuất, đưa những sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng.
Nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó. Nhằm để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. (Theo khoản 18, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ)
Ví dụ về một số nhãn hiệu chứng nhận nổi bật thường thấy ở Việt Nam như:
– Nhãn hiệu chứng nhận “ Hàng Việt Nam tin dùng” của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR).
– Nhãn hiệu chứng nhận “ Hàng Việt Nam chất lượng cao – do người tiêu dùng bình chọn được cấp ngày 24/06/2014
– Chứng nhận ISO 9001 – Hệ thống quản lý chất lượng do tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế phát triển và ban hành ngày 24/09/2015.
Nhãn hiệu liên kết
Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. (Theo khoản 18, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ)
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đăng ký nhãn hiệu liên kế. Nhằm mục đích là để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu của công ty. Đồng thời, giúp đảm bảo quyền lợi trọn vẹn của mình trước pháp luật Việt Nam.
Nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. (Theo Khoản 22, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ)
Nhãn hiệu có chứa dấu hiệu địa lý có thể là nhãn hiệu thông thường (không bảo hộ tên địa danh). Hoặc là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý.