Về khái niệm thi hành án
Theo từ điển tiếng Việt, “thi hành” có nghĩa là làm cho thành hiện thực điều đã được chính thức quyết định. Như vậy, có thể định nghĩa thi hành án là việc đưa các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án ra thi hành. Thi hành án là quá trình diễn ra sau quá trình xét xử của Tòa án.
Căn cứ vào nội dung, chúng ta có thể phân chia thi hành án thành năm loại hình cơ bản gồm thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án kinh tế, thi hành án lao động, thi hành án hành chính.
Thi hành án dân sự là gì?
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014) có thể hiểu thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục thi hành:
– Bản án, quyết định dân sự;
– Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;
– Phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án;
– Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
– Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;
– Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
Vai trò và ý nghĩa của thi hành án dân sự
Thi hành có dân sự có vai trò, ý nghĩa quan trọng, theo đó,
Bản án, quyết định của Tòa án chỉ thực sực có giá trị khi được thi hành trên thực tế nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị- xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Đồng thời giúp cho việc phát triển những khiếm khuyết của các quy định của pháp luật trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, đồng thời kiểm tra lại quá trình xét xử trước đó để rút kinh nghiệm, năng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử.
Thi hành án dân sự góp phần thúc đẩy và giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Thi hành án dân sự có tác dụng quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, năng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, tạo niềm tin của của người sân vào tính nghiêm minh của pháp luật, củng cố quyền lực nhà nước.