VAI TRÒ CỦA HÒA GIẢI TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ

Khái niệm hòa giải

Hòa giải là giải quyết các tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp)

Theo Điều 2 của Luật hòa giải cơ sở thì: “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ, về hòa giải thương mại quy định: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu: Hòa giải là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân với tư cách là người thứ ba (người hòa giải) hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên có tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự một cách ổn thỏa.

Đặc trưng của hòa giải

Từ định nghĩa, có thể thấy hòa giải có một số đặc trưng sau:
– Một là, hòa giải là một biện pháp giải quyết tranh chấp.
– Hai là, hòa giải có bên thứ ba làm bên trung gian giúp cho các bên thỏa thuận với nhau về giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp. Điều này làm cho hòa giải có sự khác biệt với thương lượng. Người trung gian phải có vị trí độc lập với các bên và hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến tranh chấp. Bên thứ ba làm trung gian không đại diện cho quyền lợi của bất cứ bên nào và không có quyền đưa ra phán quyết.
– Ba là, hòa giải trước hết là sự thỏa thuận, thể hiện ý chí và quyền định đoạt của chính các bên tranh chấp. Nói cách khác, chủ thể của quan hệ hòa giải phải chính là các bên tranh chấp. Các thỏa thuận, cam kết từ kết quả của quá trình hòa giải không có giá trị bắt buộc cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào thiện chí, sự tự nguyện của các bên.

Vai trò của hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự

Có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, nhưng hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất, tốt nhất, tối ưu nhất. Bởi các lý do sau đây:

Hòa giải thành sẽ chấm dứt mâu thuẫn, xung đột hoặc xích mích, tranh chấp một cách ổn thỏa nhất

Nếu như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp xét xử, khi kết thúc phiên tòa Hội đồng xét xử phải ra bản án tuyên chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự; hay nói cách khác phán quyết của Tòa án sẽ có bên thắng bên thua, bên được bên mất, thậm chí có nhiều trường hợp cả hai bên đều thua, suy cho cùng các bên đều không hài lòng. Ngược lại, nếu tranh chấp giải quyết bằng con đường hòa giải thì các bên hoàn toàn tự nguyện thỏa thuận về những giải pháp giải quyết tranh chấp. Khi hòa giải thành thì các nội dung giải quyết tranh chấp chính là ý chí của các bên, các chủ thể tranh chấp đều mong muốn, hài lòng, hay nói cách khác khi hòa giải thành thì các bên đều thắng, không có kẻ thắng, người thua. Mặt khác, đối với bản án, trong giai đoạn thi hành án khi thi hành thường gặp nhiều trở ngại khó khăn, vì nhiều đương sự không tự nguyện thi hành theo bản án; ngược lại đối với những nội dung thỏa thuận khi hòa giải thành là ý chí của các bên tranh chấp nên thường là họ tự giác thi hành. Thực tiễn nhiều vụ tranh chấp sau khi hòa giải thành các bên không cần yêu cầu thi hành án, họ tự nguyện thực hiện theo nội dung thỏa thuận và thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng. Có thể thấy hòa giải thành là một phương thức giải quyết tranh chấp dân sự tốt nhất, ổn thỏa nhất.

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất

Như chúng ta đã biết, khi tiến hành hòa giải không bắt buộc phải xác minh, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ; nhiều trường hợp sau khi thụ lý chỉ cần một thời gian ngắn đã hòa giải thành, giải quyết xong tranh chấp; việc hòa giải chủ yếu do một hòa giải viên hoặc một Thẩm phán tiến hành; ngược lại đối với những vụ án đưa ra xét xử, trước khi xét xử phải yêu cầu đương sự cung cấp, giao nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ; trường hợp cần thiết Thẩm phán phải thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án, cho nên thời gian chuẩn bị xét xử kéo dài. Khi xét xử, Hội đồng xét xử ít nhất là 03 người (trừ những vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn), nhiều vụ án phải mở phiên tòa nhiều lần mới xét xử xong, thậm chí không ít vụ án phải qua nhiều vòng tố tụng (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi lại quay về sơ thẩm, phúc thẩm,…). Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì hòa giải ngoài Tòa án các bên tranh chấp không phải nộp tiền chi phí (trừ hòa giải thương mại), còn theo pháp luật tố tụng dân sự nếu hòa giải thành trước khi mở phiên tòa thì các đương sự chỉ phải chịu 50% án phí dân sự sơ thẩm. Có thể thấy giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải là hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, ít tốn kém về thời gian, nhân lực và các chi phí tố tụng của cơ quan nhà nước, của các bên tranh chấp. Mặt khác, nếu sau khi hòa giải thành các bên tự nguyện thi hành án sẽ không cần sự can thiệp của cơ quan thi hành án dân sự, từ đó sẽ giảm áp lực quá tải cho cơ quan thi hành án và các bên tranh chấp cũng không mất một khoản tiền về chi phí thi hành án dân sự.

Hòa giải đảm bảo được bí mật, ít ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, pháp nhân, nhất là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ

Thông thường, quá trình hòa giải chỉ có mặt của Hòa giải viên với tư cách là người chủ trì hòa giải và sự tham gia của các bên tranh chấp, cho nên các thông tin về vụ việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải rất ít người biết. Đặc biệt, việc hòa giải đối thoại tại Tòa án thì các thông tin trong quá trình hòa giải được Hòa giải viên giữ bí mật; các tài liệu, lời trình bày của các bên tranh chấp và những thông tin khác thu thập được trong quá trình hòa giải không được dùng làm chứng cứ của vụ án, trừ trường hợp các bên đều đồng ý sử dụng những tài liệu, lời trình bày đó làm chứng cứ của vụ án. Như vậy, bằng phương pháp hòa giải, các nội dung tranh chấp sẽ được giữ bí mật, ít ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các bên tranh chấp.

Hòa giải góp phần tăng cường khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự

Khi hòa giải thì các bên tranh chấp có dịp gặp nhau, trao đổi nhiều hơn, làm cho các bên hiểu nhau hơn, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ coi như không; nếu hòa giải thành thì sự thân thiện của các bên càng cao, sẽ làm triệt tiêu các mâu thuẫn, bất đồng, từ đó sẽ tăng cường sự đoàn kết của các bên, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay