NHÃN HIỆU TẬP THỂ KHÁC GÌ SO VỚI NHÃN HIỆU THÔNG THƯỜNG?

Khái niệm

– Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. (Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022).

– Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. (Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022).

Nhãn hiệu tập thể có gì khác nhãn hiệu thông thường?

Nhãn hiệu tập thể là những nhãn hiệu được sở hữu bởi một tổ chức. Tuy nhiên bản thân tổ chức đó lại không trực tiếp sử dụng nhãn hiệu mà từng thành viên của tổ chức sẽ có quyền khai thác đối với nhãn hiệu đó. Đồng thời, cá nhân hoặc tổ chức sử dụng nhãn hiệu phải tuân thủ nghiêm túc các quy chuẩn đã được thiết lập. Do đó, loại nhãn hiệu này chịu sự ràng buộc của các thành viên trong tổ chức và những vấn đề về chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu cũng sẽ phải được tất cả các thành viên đồng ý.

Chức năng của nhãn hiệu

Bản chất của nhãn hiệu phải là những dấu hiệu có khả năng phân biệt. Do đó nhãn hiệu thông thường hay nhãn hiệu tập thể đều có điểm giống nhau là khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó thì nhãn hiệu thường với nhãn hiệu tập thể cũng có những điểm khác nhau về chức năng bao gồm:

  • Nhãn hiệu thông thường có chức năng là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
  • Nhãn hiệu tập thể có chức năng là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác không phải là thành viên.

Chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký

  • Nhãn hiệu thông thường thì chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu do mình sản xuất và cung cấp được  quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Nhãn hiệu tập thể thì chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký là các tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp, được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ.

Chủ sở hữu

  • Chủ sở hữu của nhãn hiệu thông thường pháp luật không quy định chặt chẽ bao gồm các cá nhân, tổ chức được cấp văn bằng bảo hộ
  • Chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể là tổ chức được thành lập hợp pháp được cấp văn bằng bảo hộ như hợp tác xã, hiệp hội.

Chủ thể có quyền sử dụng

  • Đối với nhãn hiệu thông thường, chủ thể có quyền sử dụng là chủ sở hữu và người được chủ sở hữu cho phép.
  • Nhãn hiệu tập thể là thành viên của tổ chức và bản thân tổ chức đó.

Phạm vi bảo hộ

  • Trong phạm vi bảo hộ, nhãn hiệu thông thường sẽ không được bảo hộ dấu hiệu mô tả nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ.
  • Nhãn hiệu tập thể thì được bảo hộ dấu hiệu mô tả, xuất xứ địa lý của hàng hóa, dịch vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay