Thời hiệu là gì?
Thời hiệu nói chung có thể được hiểu là căn cứ để xác lập hoặc xóa bỏ một quyền, bằng cách để cho một khoảng thời gian hay nói cách khác thời hiệu là khoảng thời gian để thực hiện quyền hoặc được miễn trừ nghĩa vụ.
Về mặt pháp lý, thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Theo Khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điểu kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
Thời hiệu đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Nếu không quy định thời hiệu, mỗi chủ thể tham gia vào quan hộ dân sự luôn bị đe dọa bởi tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của họ. Hơn nữa các căn cứ phát sinh quan hệ dân sự do thời gian làm cho quá trình chứng minh phức tạp. Khi giải quyết các tranh chấp dân sự, Tòa án cần phải tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xác định sự thật khách quan nên nếu thời gian đã qua đi quá lâu, quá trình thu thập chứng cứ khó bảo đảm chính xác.
Có các loại thời hiệu nào?
Theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, việc phân lại thời hiệu theo nội dung yêu cầu (sự việc có tranh chấp hay không) thì có 2 loại thời hiệu: thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được.
Nhưng theo quy định tại Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 có 4 loại thời hiệu dựa vào hậu quả pháp lý của việc kết thúc thời hiệu:
– Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.
– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
– Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.
Khi nào thì áp dụng thời hiệu?
Khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, có thể thấy nếu các bên đương sự không yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ không xem xét đến vấn đề thời hiệu. Khi một chủ thế yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thì yêu cầu phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc. Tuy nhiên, trong trường hợp người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu từ chối áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ không áp dụng thời hiệu.