Thời hạn cấp giấy phép lao động trở thành một điều quan trọng mà cả cá nhân lao động nước ngoài và người sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam đều quan tâm đặc biệt. Vậy Giấy phép lao động có thời hạn tối đa mấy năm?
Khái niệm giấy phép lao động
Giấy phép lao động là giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho người nước ngoài với mục đích để người lao động nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Trên giấy phép lao động có ghi rõ thông tin về người lao động, bao gồm họ tên, số hộ chiếu, ngày tháng năm sinh, quốc tịch; tên, địa chỉ của tổ chức nơi làm việc, vị trí làm việc.
Pháp luật Việt Nam quy định người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc sẽ phải làm thủ tục xin giấy phép lao động bởi đây là loại giấy phép cho phép người lao động làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với những người được miễn giấy phép lao động, người lao động sẽ cần xin giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Như vậy, đối với người lao động nước ngoài, tuỳ vào từng đối tượng sẽ được cấp giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, người lao động cần chú ý xác định rõ mình thuộc đối tượng nào để tiến hành các thủ tục tương ứng.
Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
– Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019.
Bên cạnh đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Giấy phép lao động có thời hạn tối đa mấy năm?
Căn cứ tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời hạn giấy phép lao động như sau:
Điều 155. Thời hạn của giấy phép lao động
Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Cụ thể tại Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:
– Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết.
– Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.
– Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.
– Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.
– Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.
– Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
– Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó.
– Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.
– Thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài trừ trường hợp không phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định, thời hạn giấy phép lao động tối đa được ban hành là 2 năm. Doanh nghiệp có thể gia hạn giấy phép lao động để thời hạn phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của tổ chức và được gia hạn tối đa 01 lần bằng thời hạn được cấp nhưng không quá 02 năm.