Hiện nay, một số viên chức đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập lại đồng thời thực hiện việc thành lập và quản lý doanh nghiệp bên ngoài. Vậy theo quy định của pháp luật, viên chức có được đăng ký kinh doanh hay không?
Viên chức là ai?
Khái niệm về viên chức không mới, từ lâu đã gắn liền các hoạt động của nhà nước, ở đâu có hoạt động quản lý nhà nước, ở đó có viên chức. Viên chức có thể được hiểu là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 2 Luật Viên chức năm 2010). Khi trở thành viên chức sẽ có các đặc điểm như:
– Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam
– Được tuyển dụng theo vị trí việc làm; làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc.
– Được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
– Nơi làm việc: Đơn vị sự nghiệp công lập.
– Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với yêu cầu của từng vị trí việc làm.
Đăng ký kinh doanh là gì?
Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2020, kinh doanh là hoạt động mà trong đó các chủ thể kinh doanh thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến việc tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích cuối cùng là tìm kiếm lợi nhuận.
Đăng ký kinh doanh là việc các chủ thể hoạt động kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký hoạt động đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp phép cho hoạt động kinh doanh của mình theo quy định pháp luật một cách phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp. Sự ghi nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý về một sự ra đời của chủ thể kinh doanh mới được gọi là kết quả của hoạt động đăng ký kinh doanh. Văn bản này còn được gọi là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Viên chức có được đăng ký kinh doanh không?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Viên chức 2010, viên chức có quyền được hoạt động nghề nghiệp trong điều kiện ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị công lập, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác. Bên cạnh đó, viên chức cũng được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời phải có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về việc này. Cuối cùng, viên chức được phép góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư nhưng không được phép tham gia quản lý, điều hành, trừ khi pháp luật chuyên ngành có đưa ra quy định khác.
Vậy, viên chức có được đăng ký kinh doanh không? Tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 đã đưa ra quy định về Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp. Theo đó, tại điểm b, khoản 2 Điều 17 Luật này nêu rõ tổ chức, cá nhân không được thành lập doanh nghiệp:
“….b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”
Như vậy, dễ dàng nhận thấy rằng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, chỉ được góp vốn nhưng không được tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Lí giải cho điều này, có thể thấy rằng viên chức có vị trí, vai trò khác với các chủ thể tại các ngành nghề khác. Họ là những người có quyền hạn trong cơ quan Nhà nước và nắm giữ những chức trách, nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Do đó, pháp luật quy định đưa ra quy định không cho phép viên chức đăng ký kinh doanh với mục đích thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về ngăn ngừa, hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng, cậy chức, cậy quyền để đạt được tư lợi cá nhân. Bên cạnh đó, viên chức còn có thể không tập trung vào trách nhiệm, xuất hiện tình trạng hời hợt khi thực hiện các nhiệm vụ được cấp trên giao phó, thậm trí có thể vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Có thể thấy, quy định không cho phép viên chức đăng ký kinh doanh là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với các lợi ích chung của cộng đồng. Đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra nhằm phát triển đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.