Tùy vào nhu cầu của từng chủ thể trong hoạt động kinh doanh, thay đổi giấy phép kinh doanh đã trở thành một thủ tục pháp lý đặc biệt quan trọng. Đây là quá trình giúp các doanh nghiệp thay đổi để thích nghi với xã hội, gia tăng hơn nữa lợi nhuận của mình.
Giấy phép kinh doanh là gì?
Đăng ký giấy phép kinh doanh được xem là một trong những thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình. Theo khoản 1 điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh.
Giấy phép kinh doanh có thể hiểu là loại văn bản được cấp cho các doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh do luật định, văn bản này đóng vai trò chứng nhận hợp pháp, là căn cứ xác thực pháp lý cho doanh nghiệp khi đã có giấy phép kinh doanh, được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Giấy phép kinh doanh có những đặc điểm sau:
– Là sự công nhận của nhà nước với sự ra đời của một thực thể kinh doanh. Theo pháp luật doanh nghiệp, ngành nghề đăng ký sẽ không bị hạn chế với các doanh nghiệp trong nước, ngoại trừ kinh doanh ngành nghề có điều kiện.
– Là cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý dễ dàng, nắm bắt được xu hướng ngành nghề trong xã hội. Bên cạnh đó còn là căn cứ quan trọng để tiến hành kiểm soát được hoạt động kinh doanh của các ngành nghề có điều kiện, từ đó tiến hành kiểm soát nghĩa vụ thuế.
Doanh nghiệp cần thay đổi giấy phép kinh doanh khi nào?
Thay đổi giấy phép kinh doanh bản chất là sự điều chỉnh hoặc cập nhật thông tin liên quan đến giấy phép kinh doanh. Mục đích của thủ tục này là việc tạo sự thống nhất giữa thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh với các quy định của pháp luật.
Theo đó, doanh nghiệp cần thay đổi giấy phép kinh doanh khi phát sinh những thay đổi về nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã có. Việc thay đổi về nội dung đăng ký bao gồm những thay đổi như:
– Thay đổi tên công ty;
– Thay đổi loại hình doanh nghiệp của công ty;
– Thay đổi địa chỉ của công ty;
– Thay đổi vốn điều lệ công ty (bao gồm thay đổi tăng vốn điều lệ công ty hoặc thay đổi giảm vốn điều lệ công ty);
– Thay đổi thông tin liên hệ của công ty như số điện thoại, email, website công ty;
– Thay đổi ngành, nghề kinh doanh của công ty;
– Thay đổi thông tin cổ đông, người đại diện theo pháp luật của công ty;
– Thay đổi thông tin đăng ký thuế: người phụ trách kế toán; thông tin địa chỉ nhận thông báo thuế; tài khoản ngân hàng, phương pháp tính thuế,…
– Thay đổi thông tin trên CCCD/Hộ chiếu về chủ sở hữu, cổ đông/thành viên góp vốn.
Thay đổi giấy phép kinh doanh như thế nào?
Hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh sẽ cần những giấy tờ phụ thuộc vào việc thay đổi cụ thể của từng trường hợp. Về cách hiểu cơ bản, nếu doanh nghiệp kinh doanh phát sinh thay đổi liên quan đến nội dung nào thì doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp những thông tin, tài liệu giấy tờ liên quan đến nội dung thay đổi đó.
Thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh bao gồm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thay đổi đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ví dụ trong trường hợp thay đổi tên công ty cổ phần, doanh nghiệp đó cần phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020. Về hồ sơ chuẩn bị: Quyết định của hội đồng quản trị về việc thay đổi tên công ty; Biên bản họp của hội đồng quản trị về việc thay đổi tên; Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh về việc thay đổi tên hoặc bất kỳ tài liệu nào liên quan đến việc thay đổi.
Bước 2: Nộp hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh tại Sở kế hoạch và Đầu tư, Chi cục thuế nơi đăng ký kinh doanh.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra hồ sơ đăng ký. Đảm bảo hồ sơ đã đầy đủ, thông tin trên hồ sơ đã chính xác.
Bước 4: Thanh toán các khoản phí, lệ phí liên quan.
Bước 5: Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, nhận Giấy phép kinh doanh mới. Giấy phép này chính là sự thừa nhận của cơ quan chức năng về nội dung thay đổi của doanh nghiệp trong giấy phép kinh doanh.